Xét xử phúc thẩm cha con Giang Kim Đạt vào ngày 17/8

(SHTT) - Theo đó, ngày 17/8 tới đây TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm đối với Giang Kim Đạt cùng ba bị cáo liên quan theo kháng cáo của các bị cáo.

Giang Kim Đạt (trên cùng) cùng các bị cáo liên quan, tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: An ninh Thủ đô 

Theo Pháp Luật TP.HCM, trước đó, sau năm ngày xét xử và nghị án, ngày 22/2, TAND TP Hà Nội đã lần lượt tuyên phạt Giang Kim Đạt (SN 1977), nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines), tử hình về tội tham ô tài sản theo Điều 278 BLHS.

Cùng tội danh trên, Trần Văn Liêm (SN 1955), nguyên tổng giám đốc Vinashinlines, bị tuyên phạt tù chung thân. Tổng hợp hình phạt với 19 năm tù bị cáo đang phải thi hành về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nguyên tổng giám đốc Vinashinlines phải chấp hành mức án chung là tù chung thân.

Tương tự, giữ vai trò đồng phạm với hai bị cáo nêu trên, Trần Văn Khương (SN 1950), nguyên kế toán trưởng Vinashinlines, cũng phải nhận án chung thân; bị cáo Giang Văn Hiển (SN 1950, cha Giang Kim Đạt) bị tuyên phạt 12 năm tù tội rửa tiền, quy định tại khoản 3 Điều 251 BLHS.

Liên quan đến vụ việc, sáng 14/8, trao đổi trên báo Tri thức trực tuyến, luật sư Phan Trung Hoài (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam), người bào chữa cho bị cáo Giang Kim Đạt cũng cho biết, vụ án sẽ được đưa ra xử phúc thẩm ngày 17/8 tới. Luật sư Hoài cũng cho biết, thân chủ của ông đã làm đơn kháng cáo kêu oan.

"Cùng kêu oan với Đạt có ông Giang Văn Hiển (bố Đạt). Ông Hiển kháng cáo vì cho rằng bản thân không phạm tội Rửa tiền", luật sư Hoài chia sẻ.

Ngoài cha con bị cáo Giang Kim Đạt, bị cáo Liêm và Khương cũng kháng cáo. Bên cạnh đó, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo liên quan đến vấn đề tài sản.

Báo Vietnamnet trích dẫn bản án sơ thấm thể hiện, quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng.

Trong đó, Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Giang Kim Đạt 255 tỷ đồng, Trần Văn Khương 110.000 USD.

Số tiền tham ô được chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển. Sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản của mình, ông Hiển đã rút tiền mặt đưa cho Giang Kim Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên mình và người thân.

HĐXX xét thấy, các tài sản kê biên gồm 40 bất động sản, 2 ô tô nhằm đảm bảo thi hành án, tổng giá trị trên 100 tỷ đồng, không cần thiết phải trưng cầu định giá.

Tại thời điểm xảy ra vụ án, các bị cáo giữ các chức vụ tại Vinashinlines, toàn bộ vốn mua tàu là của Vinashin. Hiện Vinashinlines còn nợ hơn 48 triệu USD tiền mua tàu của Vinashin. Đến nay, Vinashinlines chuyển sang Vinaline, nhưng Vinashinlines vẫn nợ Vinashin, nên HĐXX xác định nguyên đơn dân sự là Vinashin.

 HĐXX cũng buộc các bị cáo phải bồi thường trả cho Vinashin hơn 260 tỷ đồng; trong đó Đạt phải bồi thường 255 tỷ đồng; Liêm hơn 3 tỷ đồng và Khương hơn 1,7 tỷ đồng.

Sau bản án sơ thẩm, Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines) gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Các bị cáo khác là Trần Văn Liêm (nguyên TGĐ Vinashinlines), Trần Văn Khương (nguyên kế toán trưởng Vinashinlines và ông Giang Văn Hiển (cha đẻ Giang Kim Đạt) cũng đồng loạt kháng cáo toàn bộ bản án.

PV (t/h)