Xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc gặp khó, trong nước liệu có xảy ra tình trạng thịt lợn dư thừa?

(SHTT) - Từ nay tới Tết Nguyên đán và cả sang năm 2022, xuất khẩu thịt sang Trung Quốc sẽ khó khăn, thịt lợn trong nước có thể sẽ bị dư thừa, giá khó có thể tăng lên mạnh.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 11/2021, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam đạt 2,39 nghìn tấn, trị giá 9,96 triệu USD, tăng 18,2% về lượng và tăng 32,4% về trị giá so với tháng trước đó. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt tăng là nhờ xuất khẩu thịt sang một số thị trường chủ chốt như: Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản.

Xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam trong tháng 11/2021 tăng. 

Lũy kế trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được 17,7 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 70,09 triệu USD. Tháng 11/2021, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 17 thị trường. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt của nước ta nhiều nhất, số lượng thịt xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này chiếm 40,6% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, với 972 tấn, trị giá 1,85 triệu USD, tăng 24,3% về lượng và tăng 73,4% về trị giá so với tháng 10/2021. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 3,96 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 6,99 triệu USD.

Thế nhưng, từ nay tới Tết Nguyên đán và cả sang năm 2022, xuất khẩu thịt sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, thịt lợn trong nước có thể sẽ bị dư thừa khiến giá khó có thể tăng lên mạnh.

FAO dự báo, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ đạt gần 4,8 triệu tấn trong năm 2022, chỉ tăng gần 6%, sau khi giảm nhập khẩu trong năm 2021 do sản lượng thịt lợn tăng và giá giảm. Bộ Tài chính Trung Quốc mới đây đã thông báo sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm thịt lợn sau khi sản lượng trong nước nhanh chóng được mở rộng làm giảm nhu cầu nhập khẩu. 

Cụ thể, thuế đối với các nước được ưu đãi nhất sẽ được nâng lên mức 12% kể từ ngày 01/01/2022, tăng so với mức 8% hiện tại. Thông báo được đưa ra sau khi nhà sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới có tốc độ tái đàn lợn giai đoạn hậu dịch tả lợn châu Phi một cách nhanh chóng. Đặc biệt là trong bối cảnh giá thịt lợn của Trung Quốc sụt giảm mạnh, kéo dài nhiều tháng liền khiến người chăn nuôi lợn thua lỗ. 

Trung Quốc sẽ nâng mức thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thịt lợn. 

Dự báo thuế sẽ tăng, tiếp tục làm chậm lại tốc độ nhập khẩu từ các nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ và Tây Ban Nha và cả Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn và chính hiện nay. 

Trong thực tế, nhập khẩu các loại thịt của Trung Quốc đã giảm trong tháng 11/2021. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 11/2021, Trung Quốc nhập khẩu 677 nghìn tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 2,4 tỷ USD, giảm 12,6% về lượng, nhưng tăng 2,5% về trị giá so với tháng 11/2020, đây là tháng thứ 7 liên tiếp nhập khẩu thịt của Trung Quốc giảm. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 8,72 triệu tấn thịt, trị giá 29,64 tỷ USD, giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Tháng 11/2021, Trung Quốc nhập khẩu 200 nghìn tấn thịt lợn, trị giá 463,12 triệu USD, giảm 38,7% về lượng và 50,1% về trị giá so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 3,54 triệu tấn thịt lợn, trị giá 9,82 tỷ USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020...

Nhiều chuyên gia nhận định, rất khó để can thiệp giá thịt lợn ở thời điểm này, phải để giá lợn hơi vận hành theo quy luật cung - cầu của thị trường.Các chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi cần tìm hướng để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thể xuất khẩu lợn nguyên con sang Campuchia, Lào, Thái Lan,... nhằm giảm bớt dư thừa trong nước và trong bối cảnh xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc gặp khó khăn.

Quỳnh Anh