Thị trường sâm Ngọc Linh sôi động dịp cuối năm: Cơ hội để hàng giả 'lộng hành'

(SHTT) - Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các loại tam thất mà người bán quảng cáo là sâm Ngọc Linh nhưng không rõ nguồn gốc, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu, giá trị của sâm Ngọc Linh Kon Tum đồng thời làm người dân hoang mang không phân biệt được hàng thật, hàng giả.

 Mặc dù nguồn cung khan hiếm nhưng được rao bán tràn lan, muốn mua bao nhiêu cũng có, đang là thực tế của thị trường mua bán sâm Ngọc Linh, dược liệu đặc biệt quý, chỉ có ở tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Tình trạng bán - mua sâm Ngọc Linh thật - giả lẫn lộn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng; tới giá trị, thương hiệu sâm Ngọc Linh, là câu chuyện diễn ra từ nhiều năm và mỗi năm lại thêm phức tạp, chưa biết khi nào có hồi kết. 

Dịp cuối năm là thời điểm thị trường mua bán sâm Ngọc Linh ở Kon Tum sôi động nhất. Ngoài rao bán công khai, tràn lan trên mạng xã hội, sâm Ngọc Linh còn được bán dưới dạng “bà con cần tiền bán một ít để lo việc nhà”. Do số tiền người tiêu dùng phải bỏ ra mua mỗi kg sâm Ngọc Linh rất lớn, lại cũng là để “cam kết sâm thật”, nên đã từ rất lâu, sâm Ngọc Linh Kon Tum hầu hết được bán dưới dạng củ tươi và cây còn nguyên cả thân, lá. Thế nhưng “thật quá hóa giả”, thời điểm này cây sâm Ngọc Linh Kon Tum đã ngủ đông, chủ yếu chỉ còn phần củ dưới đất, sót cây nào lá cũng đã vàng úa nhưng trên thị trường gian thương vẫn đang rao bán loại sâm Ngọc Linh “không chịu ngủ đông” nghĩa là cây sâm còn nguyên cả lá xanh tốt.

Thị trường sâm Ngọc Linh sôi động dịp cuối năm: Cơ hội để hàng giả 'lộng hành' 

Chia sẻ về điều này, ông Huỳnh Trung Kim - phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum - cho biết quyền nhãn hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum vẫn chưa cấp cho đơn vị nào trên địa bàn tỉnh.

"Lúc trước chưa được bảo hộ bởi Cục sở hữu trí tuệ thì các đơn vị có quyền sử dụng, nhưng bây giờ sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được bảo hộ, nên các doanh nghiệp chưa được cấp quyền mà sử dụng là vi phạm.

 Chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" và giấy chứng nhận nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum chưa cấp cho đơn vị nào, kiểm tra dán nhãn sai vẫn cứ xử phạt. Sắp tới, tập trung kiểm tra, xác nhận, bắt buộc đăng ký cấp quyền mới dán nhãn hiệu lên được." - ông Kim nói.

Thực tế, việc cấp nhãn hiệu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, nhằm đảm bảo chất lượng đúng theo thương hiệu thì giữa các đơn vị chức năng vẫn còn "nhập nhằng", không thống nhất, dẫn đến khó quản lý thị trường sâm.

Ông Kim thông tin thêm: "Nhập nhằng trong việc cấp quyền vì Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn chưa xác nhận được nguồn gốc, chất lượng. Hội sâm Ngọc Linh đã giải thể, mới thành lập lại Hội dược liệu (thuộc Sở Y tế), quản lý nhãn hiệu, chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý.

UBND tỉnh mới có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành việc xác nhận để tiến tới cấp nhãn hiệu".

Theo các chuyên gia, để phân biệt được sâm Ngọc Linh là thật hay giả, phương pháp thông thường là test saponin có trong củ mẫu. Thế nhưng phương pháp này cũng không giải quyết triệt để được câu chuyện thật- giả vì saponin cũng có trong nhiều loại sâm khác nhau. Để bảo vệ giá trị, thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và quyền lợi người tiêu dùng, tỉnh Kon Tum đang đầu tư phương tiện máy móc hướng tới việc xét nghiệm DNA để xác định cây sâm Ngọc Linh thật-giả vào năm 2022. Cùng với đó, UBND tỉnh đã yêu cầu lực lượng Công an vào cuộc lập chuyên án xử lý việc mua bán sâm Ngọc Linh giả trên địa bàn.

Hà Anh