Điểm lại những sự kiện công nghệ nổi bật toàn cầu năm 2021

(SHTT) - Năm 2021, ngoài đại dịch Covid-19, thế giới cũng chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật của ngành công nghệ, mở ra nhiều trào lưu mới.

 Cuộc đua máy tính lượng tử

Máy tính lượng tử (Quantum Computing) tận dụng những hiện tượng cơ học của hạt lượng tử để tạo ra các đối tượng truyền tải dữ liệu, thông tin cực nhanh. Máy có năng lực tính toán gấp cả tỉ lần so với máy tính mạnh nhất hiện nay.

Vào năm 2019, Google đã khiến cả thế giới phải giật mình khi sử dụng công nghệ lượng tử để giải quyết một vấn đề trong 3 phút 20 giây, trong khi một máy tính thông thường cần đến 10.000 năm. Với tốc độ này, máy tính lượng tử sẽ dễ dàng bẻ khóa mọi mật mã hiện nay.

 

Các nhà công nghệ trên khắp thế giới đang sử dụng các máy điện toán lượng tử để nghiên cứu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, quân sự, điều chế thuốc, năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo (AI), hàng không vũ trụ.

Quốc gia nào sản xuất máy tính lượng tử hoạt động hiệu quả sẽ có lợi thế chính về kinh tế, quốc phòng và an ninh mạng, theo trang tin Axios.

Trong khi các công ty Mỹ nói chung đang dẫn đầu trong việc xây dựng máy tính lượng tử tốt hơn, thì Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào ngành này. Họ đã đầu tư một phòng thí nghiệm quốc gia trị giá 11 tỉ USD cho khoa học thông tin lượng tử.

Nhiều nước mạnh về công nghệ cũng tham gia vào cuộc chạy đua này. Ở Nhật, công ty công nghệ Fujitsu công bố sáng kiến mới, tạo ra máy tính lượng tử 1.000 qubit (đơn vị thông tin lượng tử) trong vòng vài năm tới.

Nở rộ phong trào chơi game blockchain kiếm tiền

Thời gian qua, hình thức chơi game blockchain để kiếm tiền đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Các game đang thu hút người chơi tại Việt Nam có thể kể đến là Axie Infinity, Simba Empire, The Sandbox, Evolution Land, CryptoBlades. Trên mạng xã hội, các hội nhóm liên quan đến các trò chơi dạng này thu hút hàng nghìn thành viên tham gia và thảo luận. Riêng một số hội nhóm về Axie Infinity đã có hơn 120.000 thành viên.

 

Không chỉ tại Việt Nam, trào lưu chơi game blockchain kiếm tiền còn xuất hiện ở nhiều quốc gia. Theo trang thống kê PlayerCounter, Axie Infinity nhận được sự quan tâm nhiều nhất, nhất là tại các quốc gia như Philippines, Venezuela, Mỹ hay Thái Lan với hơn 110.000 người chơi cùng thời điểm. Đối với một số người, việc chơi game hiện được xem như một kênh đầu tư trong giai đoạn khó khăn.

Sự thiếu hụt chip

Một trong những chủ đề công nghệ nóng nhất năm nay là sự thiếu hụt chip toàn cầu. Đại dịch Covid-19 chính là nguyên nhân lớn nhất.

Khi dịch bệnh mới xuất hiện, các nhà sản xuất ô tô dự đoán doanh số bán hàng sẽ bị tác động tiêu cực nên huỷ đơn đặt hàng với các nhà cung ứng vi xử lý. Tuy nhiên, họ đã nhầm, nhu cầu mua xe tăng lên khiến nhiều nhà sản xuất không có đủ những thành phần quan trọng mà các phương tiện ngày càng phụ thuộc.

Các hãng xe thu thập mọi nguồn cung vi xử lý để phục vụ sản xuất khiến tình trạng khan hiếm trở nên nghiêm trọng. Cùng với tác động của đại dịch đối với nhân lực lắp ráp, các xưởng sản xuất đều trong tình trạng không có sản phẩm để giao.

 

Cầu cao - cung ít, giá cả tăng cao là tất yếu. TSMC đã tăng giá 20% đối với các khách hàng nói chung, nhưng chỉ tăng 3% với đối tác lớn nhất và quan trọng nhất của họ là Apple. Các công ty cung ứng vi xử lý cho nhà sản xuất smartphone đều tăng giá, đồng nghĩa giá điện thoại sẽ cao hơn nữa vào năm sau.

Trung bình, giá chip 4G đã tăng 15% còn chip 5G là 5%. Điều này có vẻ trái ngược nhưng nhu cầu về chip 4G sẽ tiếp tục tăng cao, cho tới khi các mạng lưới 5G trở nên phổ biến trên toàn cầu.

NFT nở rộ

Vào tháng 3, giới công nghệ bất ngờ khi hình ghép kỹ thuật số của 5.000 bức tranh có tên Everydays: The First 5000 Days được mua với giá 69 triệu USD - mức cao kỷ lục tại nhà đấu giá Christie's. Tác phẩm của nghệ sĩ Beeple này được gắn mã NFT (non-fungible token), còn gọi là token độc nhất, được mã hóa dữ liệu nhận dạng và được lưu trữ, trao đổi dựa trên blockchain.

Sau tác phẩm của Beeple, hàng loạt NFT nghệ thuật giá triệu USD khác cũng được giao dịch. Giới phân tích nhận định, NFT đang tạo làn sóng mới trong thị trường nghệ thuật, giúp các nghệ sĩ có thêm thu nhập và cách tiếp cận mới đến cộng đồng.

 

Không chỉ lĩnh nghệ thuật, NFT còn được gắn vào mọi thứ từ dòng tweet đầu tiên của nhà sáng lập Twitter, avatar hình con vượn, nét vẽ nguệch ngoạc hay hình ảnh hòn đá... và được rao bán với giá từ hàng nghìn đến hàng triệu USD. Đặc biệt, cùng với xu hướng metaverse - kỷ nguyên tiếp theo của Internet, nhiều người bắt đầu đổ tiền đầu tư và thu mua bất động sản ảo dưới dạng NFT. Hồi tháng 11, khu đất ảo trong Decentraland được mua với giá 618.000 Mana, tương đương 2,43 triệu USD; hay mảnh đất Genesis trong Axie Infininty có giá 550 ETH, tương đương 2,3 triệu USD...

Minh Vân