Anh phát triển thành công công nghệ biến rau củ hỏng thành điện năng

(SHTT) - Trong khuôn khổ cuộc thi tìm kiếm chủ nhân cho giải thưởng James Dyson, các nhà nghiên cứu tại Anh đã mang tới giải pháp tấm quang năng làm từ rau củ bị hỏng cho phép tạo ra năng lượng ngay cả khi không có ánh sáng Mặt trời.

Giải thưởng James Dyson (The James Dyson Award) là một cuộc thi thiết kế toàn cầu dành cho các kỹ sư tài năng đến từ hơn 30 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Giải thưởng này được tổ chức bởi quỹ James Dyson, được đặt tên theo nhà phát minh cực kỳ nổi tiếng, vị tỷ phú đã sáng lập ra công ty công nghệ & đồ gia dụng Dyson Ltd tại Anh vào năm 1991.

Và ở hạng mục Global Sustainability (tạm dịch: Bền vững toàn cầu) năm 2020, giải thưởng này đã thuộc về anh chàng nghiên cứu sinh 27 tuổi, Carvey Ehren Maigue đến từ đại học Mapua Manila, Philippines nhờ phát minh cực kỳ độc đáo: AuREUS, hệ thống năng lượng tái tạo làm từ hoa, củ, quả thối, có thể hoạt động mà không cần đến mặt trời. Ý tưởng táo bạo mang tính đột phá này đã giúp Carvey vượt qua hơn 1800 đối thủ khác để giành được giải thưởng cao nhất.

Carvey Ehren Maigue chế tạo ra những tấm quang năng làm từ phần tử rau củ bị thối rữa, có thể hoạt động ngay cả khi không có ánh sáng mặt trời. 

Theo nghiên cứu này, AuREUS là một hệ thống năng lượng tái tạo, thường được sử dụng để làm tấm chắn cho cửa sổ hoặc tường của các tòa nhà. Loại chất liệu mới này làm từ những loại rau củ, hoa quả bị hỏng, thối rữa, với khả năng hấp thụ tia cực tím từ mặt trời và chuyển hóa thành điện năng.

Điểm khác biệt lớn nhất so với các tấm pin mặt trời thông thường chính là AuREUS có thể hoạt động ngon lành ngay cả khi tắt nắng hoặc khi không nhận được nhiệt từ mặt trời.

 Vật liệu tạo nên AuREUS hoàn toàn được lấy từ thiên nhiên

Theo Rappler đưa tin, Carvey đã lấy hiện tượng cực quang và những ngọn đèn cực ở phương bắc làm cảm hứng lớn nhất cho phát minh của mình. Để hiểu 1 cách đơn giản nhất, AuREUS sử dụng các hạt, phần tử từ rau, củ, quả và trộn trong 1 lớp nền nhựa. Khi bị tác động bởi ánh sáng mặt trời, những hạt đó sẽ hấp thụ tia UV và phát ra ánh sáng dọc theo các cạnh của tấm nhựa. Sau đó, ánh sáng sẽ được thu nhận và chuyển đổi thành điện năng.

“Điều tuyệt vời nhất của AuREUS chính là việc tận dụng những loại cây trồng, hoa quả bỏ đi”, James Dyson đích thân chia sẻ, “Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng về ý tưởng táo bạo và quyết tâm thực hiện phát minh của Carve”.

AuREUS  cho hiệu quả ứng dụng cao trong thực tế

Với việc giành chiến thắng, Carvey nhận được khoản tiền thưởng trị giá 39.972 USD (hơn 912 triệu đồng). Anh cho biết: “Việc giành được giải thưởng James Dyson vừa là sự khởi đầu, và cũng là sự kết thúc cho chuỗi những tháng năm hoài nghi về ý tưởng của bản thân và không biệt liệu nó có phù hợp với thực tại hiện nay hay không. Nó cũng đánh dấu cho sự khởi đầu của hành trình đưa AuREUS ra thế giới”.

Linh An