Tin mới nhất vụ nhiều người bị phơi nhiễm HIV vì đánh 2 kẻ trộm chó

(SHTT) - Được biết, một trong hai đối tượng trộm chó đã bị nhiễm HIV. Do đó, theo khuyến cáo những người dân tham gia đánh các đối tượng chảy máu đều có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV nên cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn tầm soát kịp thời

Tin mới nhất vụ nhiều người bị phơi nhiễm HIV vì đánh 2 kẻ trộm chó 

Liên quan đến vụ việc 2 đối tượng trộm chó bị người dân bao vây đánh trọng thương và đốt xe máy đang gây xôn xao trên mạng xã hội. Mới đây nhất, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận chữa trị cho 2 người đàn ông được công an đưa đến gồm M.V.H (SN 1990, ngụ huyện Xuân Lộc) và T.M.H (SN1982, ngụ KP.5, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa).

Thông tin trên Báo Tuổi trẻ, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, một trong hai đối tượng này đã  bị nhiễm HIV. Do đó, theo khuyến cáo những người dân tham gia đánh các đối tượng chảy máu đều có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV nên cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn tầm soát kịp thời và điều trị bằng thuốc kháng phơi nhiễm trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, vào sáng sớm cùng ngày, người dân địa phương phát hiện 2 nam thanh niên gồm M.V.H. (26 tuổi, ngụ xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) và T.M.H (35 tuổi, anh rể H.) đi trên chiếc xe máy đến khu vực ấp Tân Cang (xã Phước Tân) rồi dùng súng bắn điện bắt chó nên tri hô và vây bắt.

Bị phát hiện, hai đối tượng lên xe máy bỏ chạy nhưng bị người dân chặn lại. Qua kiểm tra, người dân phát hiện hai đối tượng mang theo nhiều dụng cụ để trộm chó và bao tải chứa 6 con đã chết nên đã phẫn nộ xông vào đánh gục hai đối tượng rồi châm lửa đốt xe máy của hai người này.

Sự việc chỉ dừng lại khi công an địa phương có mặt đưa 2 nghi phạm đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu.

Theo định nghĩa của Bộ Y tế thì phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong cuộc sống bạn có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do:

- Bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm.

- Vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu.

- Bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào.

- Máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).

- Bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sỹ…) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…

Trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Điều này còn tuỳ thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của những hành vi đó. Trong trường hợp gặp rủi ro, việc xử lý sau phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp người bị phơi nhiễm hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm HIV.

Ngọc Hà (t/h)