Mỹ phát triển thành công da nhân tạo từ nấm có độ bền cao

(SHTT) - Các nhà khoa học tại Mỹ mới đây đã phát triển thành công sản phẩm da nhân tạo làm từ sợi nấm. Sản phẩm này được kỳ vọng có thể thay thế da các loài động vật để sử dụng làm các sản phẩm làm từ da.

Công ty sinh học MycoWorks ở San Francisco, Mỹ mới đây đã tiến hành hợp tác với các thợ thủ công và phát triển thành công một loại da giả giống hệt da thật mới được làm từ mycelium, sợi hình ống có trong nấm. Sáng chế này hiện đã được cấp bằng sáng chế với tên gọi Fine Mycelium.

Mycelium là cấu trúc rễ có thể tái tạo của nấm. Vật liệu thay thế da thật có thể sản xuất từ nấm bằng cách tận dụng phụ phẩm giá rẻ từ nông nghiệp và lâm nghiệp như mùn cưa. Đây là nguồn thức ăn tốt để mycelium phát triển. Những sợi nấm dài này có thể mọc thành lớp và thu hoạch được chỉ trong vòng hai tuần.

Mycelium khi được ứng dụng làm da giả được đánh giá rất cao do đây là vật liệu có khả năng phân hủy sinh học, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường trong quá trình sản xuất và sử dụng. Đồng thời, việc tạo ra 1 nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng tạo ra được những sản phẩm thời trang giá rẻ an toàn hơn cho cả người dùng.

 

Công nghệ do MycoWorks phát triển biến đổi mycelium để đạt độ bền chắc chưa từng có. Thành phẩm cuối cùng mang tên Reishi sẽ được xử lý và nhuộm bởi công ty đối tác Curtidos Badia ở Tây Ban Nha.

Loại da nhân tạo này có hình dáng và cảm giác giống hệt da thật nhưng độ bền chắc thì vượt xa.

Thông thường, da thường được lấy từ các loài động vật như trâu bò, cừu, dê, ngựa, trâu, lợn, hải cẩu, cá voi và cá sấu. Nhiều nhà hoạt động vì động vật đang phản đối sử dụng da thật do vấn đề đạo đức cũng như lo ngại về chặt phá rừng và khí nhà kính liên quan tới chăn nuôi gia súc.

Trước đó, Adrián López Velarde và Marte Cázarez cũng đã thành công tạo ra một loại da từ cây xương rồng nhờ vào một quy trình chuyển hóa độc đáo. 

Trong sáng chế của 2 chàng trai này, phần lá của cây xương rồng có tên opuntia ficus indica ở Mexico sẽ được làm sạch, tán nhuyễn và phơi trong 3 ngày dưới ánh nắng mặt trời.

 Sau đó, hỗn hợp tiếp tục được trộn với hóa chất không độc hại tạo thành loại da có kết cấu và màu sắc theo yêu cầu. Sản phẩm da do hai chàng trai 28 tuổi chế tạo có thời hạn sử dụng lên tới 10 năm và chỉ mất chi phí tương đương với sản xuất đồ da thông thường.

 

Loại da từ cây xương rồng do Adrián và Marte sáng chế có thể dùng làm áo khoác, túi xách, giày dép, bọc ghế xe hơi hay bất kỳ mặt hàng nào khác. Adrián khẳng định người thường không thể phát hiện các sản phẩm của họ không phải da động vật.

 

Dù có tính ứng dụng và độ bền không kém bất kỳ loại da động vật nào, da từ xương rồng thuần chay, thân thiện với môi trường hơn nhiều. Người tiêu dùng cũng không cần lo lắng quy trình làm da sẽ giết chết xương rồng bởi chỉ có những phần lá trưởng thành mới được cắt tỉa để sử dụng.

 Thái An