Gian hàng Quốc gia Việt Nam: Rộng đường đưa hàng Việt tới thị trường quốc tế

(SHTT) - Tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố triển khai “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com.

Bắt đầu từ năm 2019, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử nội địa đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì đang triển khai được đánh giá là một giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng, tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại.

“Gian hàng Quốc gia” là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp Việt để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử. Đồng thời, “Siêu thị hàng Việt” này giúp người tiêu dùng mua sắm hàng Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng đảm bảo, chi phí thấp hơn.

Sau khi triển khai khá rầm rộ, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam, tới cuối 2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục đẩy mạnh triển khai “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử nội địa bao gồm Sendo, Voso (Viettel Post) và Tiki.

 Gian hàng Quốc gia Việt Nam: Rộng đường đưa hàng Việt tới thị trường quốc tế

Năm nay, Gian hàng Quốc gia Việt Nam sẽ lần đầu tiên được "xuất ngoại" lên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc. 

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) cho rằng: “Sàn thương mại điện tử hiện nay có tốc độ tăng trưởng rất lớn, nhưng vẫn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta hiện nay vẫn tập trung vào mua hàng thương mại xuyên biên giới qua các kênh, trang thương mại điện tử nước ngoài. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá hạn chế và sự tiếp cận của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam chưa nhiều”.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, trong quá trình triển khai chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com”, các ban ngành của Bộ Công Thương đã làm việc với rất nhiều hiệp hội và cả các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng vẫn còn nhiều giới hạn để có thể nắm vững thông tin, cũng như các quy trình liên quan đến đẩy mạnh xuất khẩu xuyên biên giới. Kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ trở thành một kênh có tiềm năng để tăng cường mở rộng, tận dụng, phát triển cho xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới. Điều đó đặt ra vấn đề cho các doanh nghiệp là cần phải có kiến thức một cách bài bản, có tổ chức, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành trung ương, địa phương, hoặc từ các đối tác đồng hành chương trình…

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kỳ vọng, với sự chung tay hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com sẽ tạo thêm một kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy giao thương hàng hóa, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, thương mại điện tử xuyên biên giới là một thách thức lớn, doanh nghiệp làm thương mại điện tử xuyên biên giới cần hiểu biết các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa của thị trường nước nhập khẩu, quy trình vận hành logistics xuyên biên giới, đồng thời tập trung xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh...

Minh Vân