Sáng ngày 9/11, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã chính thức được phóng tại Nhật Bản

(SHTT) - Sau nhiều lần trì hoãn vì lỗi kỹ thuật và điều kiện thời tiết, vào sáng ngày 9/11/2021, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã chính thức được đưa lên vũ trụ tại bãi phóng Uchinoura, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản để bắt đầu sứ mệnh không gian của mình.

Cụ thể, vào 7h55 sáng ngày 9/11/2021 (giờ Việt Nam), tên lửa Epsilon số 5 mang theo vệ tinh NanoDragon cùng 8 vệ tinh khác của Nhật Bản trong chương trình "Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2 - Innovative Satellite Technology Demonstratrion 2" đã chính thức được phóng vào vũ trụ tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản).

 

Như vậy, sau 3 lần trì hoãn do các điều kiện kỹ thuật và thời tiết không đảm bảo, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã chính thức được phóng lên không gian để thực hiện sứ mệnh.

Trước đó, vào ngày 6/11, tên lửa Epsilon số 5 đã bị hoãn phóng do có gió to trên tầng khí quyển. Lần đầu tiên ngày 1/10 đã hoãn lại trước 16 giây do sự cố kỹ thuật xảy ra do lỗi radar mặt đất có nhiệm vụ giám sát vị trí và tốc độ của Epsilon-5. Lần thứ 2 vào ngày 7/10 từ thông tin trong buổi Livestream trực tiếp vụ phóng đã bị huỷ bỏ vì gió trên trời không đáp ứng được các hạn chế tại thời điểm phóng.

 

Vệ tinh NanoDragon dạng cubesat lớp nano, nặng 3,8kg, kích thước 3U (100 x 100 x 240,5 mm), được hoàn toàn sản xuất từ Việt Nam bởi VNSC. Đây là lộ trình nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030", được Thủ tướng phê duyệt.

Vệ tinh NanoDragon được các kỹ sư VNSC thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh NanoDragon dự kiến hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.

NanoDragon được thiết kế hoạt động tối thiểu 6 tháng trong quỹ đạo, nhưng theo tính toán của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thì vệ tinh có thể hoạt động đến 2 năm.

Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC. Toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn và một số mạch phụ trợ khác của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam.

Vệ tinh này được gửi sang Nhật Bản, bàn giao hôm 17/8 để chuyển đến bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, kiểm tra các khâu cuối cùng, sẵn sàng vào bệ phóng.

Thái An