96% doanh nghiệp ở Bình Dương sản xuất trở lại

Đến ngày 28/10, đã có 1.968 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt trên 96%.

Số lượng lao động trở lại làm việc trong các công ty là gần 373 nghìn người, đạt 76,38%. Trong đó, mô hình “3 xanh” có gần 285.000 lao động, mô hình “3 tại chỗ” có 44.211 lao động và mô hình “3 tại chỗ linh hoạt” có 43.192 người lao động.

Sau khoảng 1 tháng phục hồi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Một công ty may mặc ở Bình Dương đẩy mạnh sản xuất hàng hoá. 

Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn. Hầu hết, người lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 và đang tiến hành tiêm phủ mũi 2.

Về tiêm chủng vaccine, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đang được tỉnh tăng tốc, hoàn thành tốt kế hoạch.

Cụ thể, đến ngày 28/10, toàn tỉnh Bình Dương đã tiêm được hơn 3.920.894 liều vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó có hơn 2,3 triệu người tiêm mũi 1 và còn lại tiêm mũi 2. Dự kiến đầu tháng 11 tỉnh Bình Dương sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Tại Đồng Nai, trên 92% doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh đã khôi phục sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy hoạt động hết công suất.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp đang liên tục bổ sung lao động để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tổ chức cho lao động đi, về hằng ngày, bỏ thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”.

Trong các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai có khoảng 1.713 dự án đang hoạt động, khi xảy ra đợt lần thứ 4, chỉ có hơn 1,1 nghìn doanh nghiệp duy trì được sản xuất, còn lại gần 600 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Từ cuối tháng 9/2021, tỉnh bắt đầu mở cửa, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại và nâng công suất các nhà máy, đáp ứng nguồn cung hàng hóa cho đối tác trong và ngoài nước.

Vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã giao cho doanh nghiệp chủ động trong phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất. Các doanh nghiệp đều lên kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc phòng, chống dịch và đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang trên đà phục hồi khá tốt, dự tính tháng 10/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tăng hơn 11,2% so với tháng trước, kéo theo xuất khẩu tăng gần 300 triệu USD.

Mới đây, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định số 92 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; Miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; Giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

Việc ban hành Nghị định số 92 nhằm triển khai kịp thời các giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 406 sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.

Quang Hải