Cảnh báo virus tống tiền mới tấn công nhiều ngân hàng, sân bay ở châu Âu

(SHTT) - Tương tự như Wanna Cry, virus mang tên Petrwrap có phương thức hoạt động là tấn công đòi tiền chuộc bằng Bitcoin và khai thác chung lỗ hổng EternalBlue. Virus này đang khiến nhiều doanh nghiệp ở châu Âu phải đóng cửa.

Theo The Verge, một loại mã độc tống tiền (ransomware) vừa tấn công và khiến nhiều công sở, công ty ở châu Âu phải tạm dừng hoạt động. Trong đó, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Ukraine khi hệ thống tại ngân hàng trung ương, tàu điện ngầm và sân bay Boryspil tại thủ đô Kiev phải dừng hoạt động.

Không chỉ vậy, một đơn vị cung cấp điện Ukrenego cũng đã phải dừng hoạt động do tác động tiêu cực từ loại mã độc tống tiền trên.

 Cảnh báo virus tống tiền mới tấn công nhiều ngân hàng, sân bay ở châu Âu

Các công ty khác cho biết họ dương như đã bị tấn công mạng, bao gồm nhà máy sản xuất kim loại Evraz của Nga, công ty vật liệu xây dựng Saint Gobain của Pháp và công ty quảng cáo lớn nhất thế giới WPP, dù không rõ những vấn đề của họ là do cùng một loại virus tống tiền hay không. Công ty thực phẩm Mondelez International cũng cho biết nhân viên của họ ở các khu vực khác nhau đang gặp phải các vấn đề về kỹ thuật.

Một chuyên gia từ Kaspersky Lab cho biết loại virus tạo ra cuộc tấn công hàng loạt trên mang tên Petrwrap, biến thể từ mã độc tống tiền có tên Petya từng được phát hiện từ tháng 3, một ứng dụng độc hại khiến máy tính không thể hoạt động được bằng cách mã hóa ổ đĩa cứng của họ và yêu cầu đòi tiền chuộc để đổi lấy khoá giải mã nhằm khôi phục quyền truy cập. Hiện giờ mới chỉ có 4 trong tổng số 61 công cụ bảo mật có thể phát hiện ra con virus này. Cách thức lây lan của con virus tống tiền mới được cho là nguy hiểm tương tự như WannyCry khi dựa trên lỗ hổng bảo mật Eternal Blue của hệ điều hành Windows.

 Virus tống tiền mới khai thác lỗ hổng giống Wanna Cry

Petrwrap có vẻ là một chương trình tấn công tống tiền trực diện. Một khi nhiễm phải, virus này sẽ mã hóa máy tính bằng một chìa khóa riêng, không cho phép sử dụng dữ liệu cho đến khi được giải mã.

Với máy tính bị nhiễm, chủ nhân của nó cũng được yêu trả 300 USD bằng Bitcoin, giống WannaCry. Tài khoản email trong ví Bicoin tống tiền và ID cá nhân là tài khoản email do Posteo cung cấp.

Theo The Verge, tính tới cuối ngày 27/6 (giờ Việt Nam), nó đã thực hiện được 8 giao dịch đòi tiền chuộc với tổng số tiền khoảng 2.300 USD.

PV