Bản quyền âm nhạc trên môi trường số và những bất cập dành cho nhạc sỹ

(SHTT) - Bị “tố” vi phạm bản quyền với chính tác phẩm do mình sáng tác khiến nhiều nhạc sỹ bức xúc. Điều này cũng gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Nguyên nhân là do một số cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở trong môi trường kỹ thuật số để lách luật và “nhận vơ” quyền tác phẩm âm nhạc.

 Trong buổi họp báo "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số" mới đây, BH Media đã có thông tin chính thức liên quan tới vụ việc nhạc sĩ Giáng Son bức xúc lên tiếng vì ca khúc “Giấc mơ trưa” do chị sáng tác bị “đánh gậy bản quyền” trên chính YouTube của mình.

BH Media (một trong những đơn vị dẫn đầu trong ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam, đối tác của các nền tảng số lớn trên thế giới như YouTube, Facebook, TikTok, Spotify…), cho biết, công ty ghi nhận nhạc sĩ Giáng Son đã rất có ý thức về bản quyền. Tác giả của ca khúc "Giấc mơ trưa" đã cẩn thận chuẩn bị một bản ghi - thuộc quyền sở hữu của chị để đưa lên kênh YouTube riêng của mình.

Tuy nhiên, vì trên YouTube có nhiều bản ghi "Giấc mơ trưa" của nhiều chủ sở hữu khác nữa, do đó, khi phát hiện bản ghi "Giấc mơ trưa" của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã up lên trước đó, YouTube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.

Bản quyền âm nhạc trên môi trường số và những bất cập dành cho nhạc sỹ 

Trong khi đó, Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có phản hồi chính thức xung quanh vụ việc này. Đây là đơn bị được nhạc sĩ ủy quyền giải quyết vụ việc.

Trung tâm VCPMC cho rằng BH Media có những sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các tác giả âm nhạc là thành viên của Trung tâm, đồng thời không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

"Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ có "quyền tác giả" và "quyền liên quan", trong đó quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Trong mọi trường hợp, quyền liên quan chỉ được bảo hộ với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả. Việc BH Media xác nhận mình là chủ sở hữu bản quyền đối với bản ghi ghi hình do chính tác giả gốc sản xuất chắc chắn là hành vi gây phương hại đến quyền tác giả". VCPMC khẳng dịnh không có sự hiểu lầm trong sự việc này. 

"Chính vì nhận thức rõ hành vi nên BH Media đã ngay lập tức phải gỡ bỏ xác nhận chủ sở hữu ngay khi nhạc sĩ Giáng Son lên tiếng trên các phương tiện truyền thông" - Trung tâm VCPMC cho biết.

Việc BH Media cho rằng trên Youtube có nhiều bản ghi Giấc mơ trưa của nhiều chủ sở hữu khác nữa, trong khi thực tế tác giả Giáng Son chưa từng chuyển nhượng, bán độc quyền tác phẩm này cho ai cũng hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài Giáng Son và người được Giáng Son ủy quyền, không có bất kỳ tổ chức cá nhân nào có quyền chủ sở hữu đối với tác phẩm hoặc bản ghi âm ghi hình tác phẩm Giấc mơ trưa.

Khoản 2, Điều 6-Luật Sở hữu trí tuệ quy định, quyền liên quan chỉ phát sinh “kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả." Ngoài Giáng Son hoặc người được Giáng Son ủy quyền, không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào có quyền chủ sở hữu đối với tác phẩm hoặc bản ghi âm ghi hình tác phẩm “Giấc mơ trưa."

Nhạc sỹ Giáng Son vừa là người sáng tác bài hát, vừa là chủ sở hữu bản phối, bản ghi âm mà nhạc sỹ đăng tải trên kênh cá nhân; trong trường hợp này, quyền tác giả và quyền liên quan đều thuộc về nhạc sỹ Giáng Son. Phía BH Media giải thích rằng việc phát hiện nội dung trùng khớp là do hệ thống tự động (Youtube) thực hiện, do có sự trùng khớp một phân đoạn rất nhỏ so với bản thu của Thùy Anh… Sự giải thích này là chưa thấu đáo. Bởi trường hợp này là do chính BH Media tuyên bố là có quyền sở hữu đối với bản ghi và nội dung đã cung cấp cho Youtube thì hệ thống (Youtube) mới có thể thực hiện quét tự động.

Một vấn đề khác đặt ra là bản ghi mà BH Media sử dụng để Youtube tự động quét liệu có phải vẫn là bản ghi thuộc quyền sở hữu của nhạc sỹ Giáng Son hay không, hay bản ghi này đang bị chiếm hữu một cách trái phép hoặc nếu đã sản xuất, sao chép thì có xin phép nhạc sỹ Giáng Son hay chưa. Đây là vấn đề cần kiểm tra lại và làm rõ ở góc độ pháp lý, thông qua các giấy tờ, hợp đồng mà các bên liên quan đã ký kết, chuyển giao.

Có thể nói, việc xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường, đặc biệt là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số. Hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đánh tráo khái niệm và sử dụng các chiêu trò lách luật để xâm phạm bản quyền. Nếu các tác giả không am hiểu về công nghệ thì không thể biết và khiếu nại.

Mới đây, NSƯT Kim Tiểu Long hiện đang ở Mỹ cũng bức xúc không kém khi những bài ca cổ, tân cổ giao duyên và bài hát mang âm hưởng dân ca do chính anh đầu tư kinh phí thực hiện, khi cập lên trang cá nhân của mạng xã hội Facebook hoặc kênh YouTube đều nhận thông báo vi phạm bản quyền.

"Tôi hết sức bất ngờ vì ai đó đã lấy phần nhạc nền để đăng ký bản quyền, rồi khi chính tôi sử dụng sáng tác đó thì lại bị cho là vi phạm" – NSƯT Kim Tiểu Long nói.

Trên thực tế, kho tàng âm nhạc cải lương với hàng ngàn bài bản và điệu lý, các soạn giả, nghệ sĩ thậm chí người bình thường thích sáng tác vẫn có thể sử dụng để viết lời mới. 

"Hễ ai nhanh tay đăng ký bản quyền thì mặc định những sáng tác thuộc di sản 100 năm của sân khấu cải lương đã có sở hữu bản quyền nên việc nghệ sĩ sau này bị cho là vi phạm bản quyền chính trên phần hòa âm phối khí mới của mình đã trở thành bức xúc lớn của người làm nghề chuyên nghiệp" – soạn giả Hoàng Song Việt từng phân tích.

Hà Châu