Ứng dụng thiết thực của công nghệ phục vụ Chính phủ điện tử

(SHTT) - Ngày 16/10/2021, Ban Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”, mã số KC.01/16-20 đã tổ chức Hội nghị đánh giá, tổng kết 4 năm triển khai (11/2016 – 4/2021).

 Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” (Chương trình KC.01/16-20) do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai đến nay đã có những kết quả tích cực với nhiều ứng dụng trong thực tiễn. Nhiều hạng mục đề ra đã vượt chỉ tiêu.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm Chương trình cho biết, mục tiêu của Chương trình là phát triển các giải pháp công nghệ về phần cứng, phần mềm, tạo nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử.

Chương trình có 26 nhiệm vụ được thực hiện, đáp ứng 80% mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm dự kiến. Trong số này, các nhiệm vụ đã hoàn thiện 18 loại sản phẩm thiết bị máy móc (281 thiết bị), 44 sản phẩm phần mềm, cơ sở dữ liệu,19 sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

 Ứng dụng thiết thực của công nghệ phục vụ Chính phủ điện tử

Đáng chú ý, các nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ, chế tạo một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, trong đó một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Có thể kể đến một số sản phẩm thiết bị phần cứng có khả năng đưa vào sản xuất thử nghiệm hoặc sản xuất thương mại như: Thiết bị chuyên dụng giám sát hạ tầng công nghệ thông tin, máy tính an toàn, camera bảo mật, thiết bị chuyển mạch, hệ thống Kios, vi mạch bảo mật cho thiết bị IoT…

Hay nhiều giải pháp phần mềm, ứng dụng nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đã được đưa vào thực tiễn như: Phần mềm cung cấp dịch vụ hành chính công cấp tỉnh trên cơ sở nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được triển khai tại Quảng Nam; hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý đất đai ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) được Bộ TN&MT tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng khẳng định, các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình về cơ bản đã phủ đều 3 mục tiêu đặt ra, bao gồm: Các sản phẩm phần cứng, phần mềm, giải pháp tích hợp, nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động của Chính phủ điện tử; Các sản phẩm cho phát triển và hoàn thiện hạ tầng CNTT của Chính phủ điện tử; và Một số dự thảo để từ đó hình thành nên Tiêu chuẩn quốc gia, các hướng dẫn kỹ thuật trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh.

"Xếp hạng về an ninh an toàn mạng chúng ta đạt được kết quả rất tốt 25/198, qua từng năm đều thăng hạng, có sự đóng góp của chương trình KC 01 cùng với sự nỗ lực của các nhà khoa học. Chúng tôi hy vọng với chương trình thời gian tới sẽ đáp ứng tốt phục vụ Chính phủ điện tử, làm sao vừa thực hiện giúp chúng ta trở lại bình thường mới, nhưng cũng phải bảo mật thông tin cá nhân", Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng thẳng thắn chỉ ra, đến thời điểm tổng kết, Chương trình KC.01/16-20 đã thiếu vắng loại hình nhiệm vụ là dự án sản xuất thử nghiệm, sự tham gia của doanh nghiệp còn có phần hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn vốn từ ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là chưa có sự tham gia đông đảo trong việc thực hiện nhiệm vụ từ các bộ, ngành có nhiều dịch vụ công như Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông Vận tải, Y tế…

“Tôi đề nghị Ban Chủ nhiệm Chương trình giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ đặc biệt lưu ý đến những điểm hạn chế này để tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện tốt các chương trình Khoa học và công nghệ có liên quan trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Minh Vân