Pháp phục Phật giáo và vấn đề bản quyền

(SHTT) - Bộ catalog về pháp phục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận quyền tác giả. Tuy nhiên trên thực tế vẫn đang tồn tại tình trạng vi phạm bản quyền pháp phục.

Vào ngày 14/04/2021, theo quyết định số 77/QĐ-HĐTS cho biết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phê duyệt mẫu pháp phục Phật giáo Việt Nam, đồng thời chấp thuận việc đăng ký bản quyền tác giả cho pháp phục Phật giáo Việt Nam. Chủ sở hữu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tác giả là Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và người đại diện là Thượng tọa Thích Thọ Lạc.

 (Nguồn: Internet)

Theo đó, Hội đồng Trị sự GHPGVN giao cho Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN thực hiện đăng kí bản quyền tác giả cho tác phẩm, thực hiện các quyền sở hữu tác phẩm trong 7 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Phối hợp với ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai thực hiện, giám sát, phát huy pháp phục Phật giáo Việt Nam để đảm bảo chất lượng, hiệu quả như mục tiêu đã đề ra.

 (Nguồn: Internet)

Chính vì vậy, từ nay nếu cá nhân hay tập thể nào tự ý sử dụng các mẫu pháp phục của Tăng Ni trong việc sản xuất, hành lễ cúng đàn kỳ an, kì siêu trong các đàn lễ mang hình thức Phật giáo đều là vi phạm quyền tác giả.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, vẫn có rất nhiều những thầy cúng, pháp sư đang sử dụng lễ phục, pháp phục Phật giáo dưới hình thức của quý Thầy, chư Tăng Ni... để chủ đàn lễ cho bà con Phật tử, nhân dân bá tánh, những người có niềm tin vào Phật giáo để hành nghề trục lợi.

 
 Một số hình ảnh về việc vi phạm bản quyền pháp phục Phật giáo Việt Nam – Nguồn: Internet

Cần phải xử lý như thế nào với những trường hợp vi phạm bản quyền?

Căn cứ vào tính chất thực tế của từng sự việc vi phạm quyền tác giả để lừa đảo tiền bạc của nhân dân bá tánh, các cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự hay phạt tiền các đối tượng vi phạm. Các đối tượng giả danh chư tôn đức Tăng Ni để sử dụng pháp phục của Giáo hội phật giáo Việt Nam trong việc cúng, hành lễ như: sử dụng Y vàng ngũ, thất, cửu điều; Hậu vàng tay toang từ 40, 60 đến 90 cm; Ca sa đàn; Cà sa 25 điều của Hòa thượng, Thượng tọa; mũ Thất Phật; mũ Hiệp Chưởng; mũ Tỳ Lư; áo tràng nâu kẻ 2-3 vạch… cũng sẽ bị xử lý.

Không những vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan chức năng cần đề nghị chư tôn đức Tăng Ni, các Phật tử, lương dân và những người có niềm tin vào Phật giáo nếu phát hiện người mặc pháp phục giả danh nhà sư để hành nghề trục lợi hãy báo ngay cho cơ quan chính quyền, công an, ban kiểm soát Tăng Ni các tỉnh, thành phố, huyện của GHPGVN.

Khương Viết Dũng