Hà Nội: Thu giữ hơn 1.000 bộ kit test nhanh COVID-19 không rõ xuất xứ

(SHTT) - Mới đây, lực lượng liên ngành tại thành phố Hà Nội bằng nghiệp vụ đã phát hiện 1 đối tượng có hành vi tàng trữ 1.100 bộ kit test nhanh COVID-19 không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa theo quy định.

Theo thông tin từ Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, mới đây, đơn vị đã phối hợp với đội QLTT số 22 thuộc Cục QLTT Hà Nội trong quá trình trinh sát địa bàn đã phát hiện 1 nam thanh niên đang tiến hành tập kết nhiều loại hàng hóa được giấu kín trong 3 thùng carton tại đầu ngõ 136, đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm chuẩn bị giao cho khách.

Tiến hành kiểm tra hàng hóa và các giấy tờ liên quan, tổ công tác đã xác minh được nam thanh niên này có tên Đoàn Xuân Thủy, trú tại xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, hiện đang ở phường Định Công Thượng, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

 

Tại thời điểm kiểm tra, anh Thủy không xuất trình được hóa đơn chứng từ của số hàng hóa là các bộ test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất. Tại cơ quan công an, anh Đoàn Xuân Thủy khai, số kit test COVID-19 trên được Thủy mua gom về qua các đường tiểu ngạch do nước ngoài sản xuất, có nguồn gốc từ Đức không có hóa đơn chứng từ.

Kiểm đếm tại chỗ, lực lượng chức năng ghi nhận 1.100 bộ kit test COVID-19 (có giá khoảng 100 triệu đồng) không có hóa đơn chứng từ, không được các cơ quan y tế cấp phép lưu hành.

Cùng trong ngày 6/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 22, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đột xuất kiểm tra CTCP Thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam có địa chỉ tại C34 khu đô thị Embassy Garden, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm và phát hiện hơn 100 thùng giấy có chứa 17.100 khẩu trang y tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M 1860.

 

Trước đó, ngày 3/8, Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã bắt giữ khoảng 1.000 bộ kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, do Phan Anh Tuấn, trú tại Khu đô thị Vinhome Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội đem bán để kiếm lời.

Được biết, hiện nay, do nhu cầu của người dân và các cửa hàng bán thuốc thuộc lĩnh vực y tế về các mặt hàng kit test nhanh COVID-19 và đồ bảo hộ y tế vô cùng cao, do đó, đã có nhiều đối tượng lợi dụng tình hình để thu gom hàng hóa không rõ xuất xứ thông qua các đường tiểu ngạch do nước ngoài sản xuất để tiêu thụ trong nước kiếm lời.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hành vi buôn bán các sản phẩm thiết bị y tế không đảm bảo chất lượng hoặc không rõ ràng về xuất xứ là nguy cơ lớn không chỉ khiến người tiêu dùng bị mất tiền oan mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ngoài cộng đồng.

Do đó, để hạn chế những hành vi buôn bán thiết bị y tế không đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên thận trong kiểm tra sản phẩm trước khi quyết định mua để không tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện hành vi bất chính và đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh.

Thái An