Trí tuệ nhân tạo: Lời giải cho bài toán giao thông tại Việt Nam

(SHTT) - Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác quản lý, điều hành giao thông là một trong những bước tiến lớn của Việt Nam, hứa hẹn sẽ giải quyết được những vấn đề đang tồn tại. Dưới đây là một vài ứng dụng được đánh giá cao.

 BusMap giải quyết vấn đề của giao thông công cộng

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã giải quyết được các vấn đề trong nước như giao thông công cộng trong đô thị thông minh, nhóm phát triển ứng dụng BusMap là một ví dụ, với việc khai thác tốt dữ liệu người đi xe buýt, cho phép đề xuất các giải pháp cải thiện hệ thống giao thông công cộng. Với việc ứng dụng AI, các phần mềm máy tính và ứng dụng trên di động đang có sự phát triển mạnh mẽ qua phân tích và khai thác thông tin từ thói quen, sở thích của người dùng.

Từ nhu cầu kết nối và khai thác thông tin vận tải xe buýt, BusMap đã ra đời giúp người dân dễ dàng tìm tuyến xe buýt đi ngang qua nhà, tìm đường đi tối ưu trên cơ sở tiết kiệm thời gian hoặc chi phí di chuyển.

 

Thông thường, để phát triển tính năng mới hoặc tối ưu hóa đường đi của xe buýt, nhà phát triển ứng dụng sẽ phải dựa trên nhu cầu và thói quen đi lại của số đông người dùng (tuyến có đông người sử dụng hay không, tuyến đang khai thác có thể mở rộng như thế nào để người dân thuận tiện sử dụng,...) và đề xuất mô hình hạ tầng xe buýt phù hợp. Do vậy, giao thông công cộng chỉ thực sự thông minh khi có dữ liệu lớn, được phân tích và xử lý bằng AI để hiểu rõ về khách hàng, từ đó tối ưu hóa vận hành, giảm chi phí và tăng lợi nhuận, phục vụ tốt hơn bài toán quy hoạch đô thị.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện vi phạm luật giao thông

Đó là sản phẩm của 2 sinh viên Lê Nguyễn Chí Ân (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) và Phạm Thị Thiên Thảo (Học viện Cán bộ TP.HCM).

2 sinh viên đề ra ý tưởng kết hợp các phương tiện khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo vào việc giám sát giao thông, hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong công tác điều tiết giao thông. Không những thế, ứng dụng này còn có thể ghi nhận cụ thể đối với những người có ý thức tham gia giao thông kém, có biện pháp xử lý triệt để.

 

“Hơn hết, chúng mình muốn làm ra sản phẩm này để góp phần thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, cứng rắn. Ứng dụng này sẽ là công cụ hỗ trợ việc giám sát và điều tiết giao thông, góp phần phát triển giao thông thông minh ở TP.HCM cũng như có thể áp dụng trong cả nước”, Thảo tâm sự.

Cũng theo cô gái này, sau khi thử nghiệm, từ lưu lượng xe, ứng dụng sẽ dự đoán khả năng ùn tắc giao thông ở bất kỳ tuyến đường nào, qua đó giảm thiểu tối đa việc kẹt xe, giúp chủ động phân luồng giao thông.

Còn với cơ quan quản lý, nhờ việc theo dõi các phương tiện, sẽ có thể tự động lưu trữ thông tin các phương tiện vi phạm luật giao thông. Từ đó có thể đề xuất những biện pháp chế tài phù hợp để xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần xây dựng hệ thống giao thông thông minh và xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Giao thông thông minh không phải là điều quá xa vời

Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport Systems – ITS) không phải là điều gì quá mới mẻ. Ý tưởng về hệ thống này đã được khởi xướng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước tại Mỹ và các nước Châu Âu. Đến nay, mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Hệ thống giao thông thông minh là công nghệ được sử dụng để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, trong đó bao gồm việc xử lý tai nạn và ùn tắc giao thông. Về cơ bản, ITS sẽ sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới, qua đó tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông.

Với trường hợp của Việt Nam, chính phủ cũng đã từng bước cải thiện chất liệu điều hành giao thông bằng việc cho ra mắt nhiều trung tâm điều hành, điều tiết giao thông.

Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông đặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM (thuộc Sở GTVT TPHCM) được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2019 đã trở thành trung tâm điều khiển giao thông thông minh đầu tiên của cả nước.

Hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS) đặt tại Trung tâm thực hiện 5 chức năng chính gồm: Điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; giám sát, theo dõi tình hình giao thông; cung cấp thông tin giao thông trực tuyến; phối hợp xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông và mô phỏng dự báo giao thông.

Ngành giao thông hiện đang xác định trí tuệ nhân tạo (AI) là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý điều hành giao thông thành phố.

Hương Mi