Phát triển máy tính lượng tử đầu tiên trên thế giới

(SHTT) - Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc vừa phát triển thành công máy tính lượng tử có năng lực tính toán nhanh hơn các siêu máy tính hiện nay. Đây được xem là thành tựu đáng ghi nhận.

Theo tìm hiểu thì máy tính lượng tử vượt trội hơn khá nhiều so với máy tính điện tử thông thường. Để hiểu rõ về 2 loại máy tính này, các nhà nghiên cứu đã cho so sánh với 2 hình ảnh sau: máy tính lượng tử giống như việc có thể đọc tất cả các sách trong thư viện cùng một lúc, trong khi đối với máy tính thông thường phải đọc lần lượt từng quyển một.

Một điểm khác biệt nữa giữa 2 loại máy tính này là dữ liệu được thể hiện ở một trong 2 trạng thái 0 hoặc 1 với các chip máy tính silicon thông thường trong khi đó dữ liệu có thể tồn tại ở đồng thời cả hai trạng thái, chứa lượng thông tin theo cấp số nhân trong các máy tính lượng tử.

Được biết, người đứng đầu nhóm phát triển dự án này là nhà vật lý lượng tử hàng đầu Trung Quốc, Pan Jianwei. Ông cho hay để có thể phát triển được loại máy tính trên, nhóm nghiên cứu đã phải tính toán lượng tử khai thác nguyên lý chồng chập lượng tử (hay còn gọi là chồng chất lượng tử, xếp lớp lượng tử) để tạo ra các phép tính song song và mô phỏng siêu nhanh.

 Phát triển máy tính lượng tử đầu tiên trên thế giới

Chính nhờ nguyên lý này mà năng lực tính toán của một máy tính lượng tử phát triển theo cấp số nhân, giúp giải quyết một cách hiệu quả các tính toán quy mô lớn vốn vượt quá khả năng của các máy tính điện tử hiện nay.

Nói về nghiên cứu của nhóm, ông Pan Jianwei cũng cho biết thêm rằng cốt lõi của công nghệ tính toán lượng tử chính là nguyên lý chồng chập lượng tử. Đồng thời, đây cũng là trọng tâm của những cuộc thi quốc tế về nghiên cứu máy tính lượng tử.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang khảo sát ba tuyến kỹ thuật: các hệ thống dựa trên các photon đơn lẻ, các nguyên tử siêu lạnh và mạch siêu dẫn. Trong hệ hạt lượng tử, nhóm nghiên cứu của ông đã tách được 5, 6, 8 và 10 rối lượng tử đầu tiên trên thế giới và đang thực hiện các bước phát triển tiếp theo.

Nhận thấy tầm quan trọng của máy tính lượng tử nên các công ty công nghệ cao như Google, Microsoft và IBM cũng đang bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên Pan cho biết hiện tại nghiên cứu này vẫn đang gặp nhiều thách thức.

PV