Chỉ xử lý hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhái?

(SHTT) - Hiện nay, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện ngày càng nhiều các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe nên trên thị trường vẫn còn tồn tại nhiều hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Nhờ kỹ thuật hiện đại, hình thức bao bì và tem nhãn giả rất giống hàng thật. Tem chống hàng giả phản quang có đặc điểm riêng cũng bị làm giả.

Bên cạnh đó, đối tượng sản xuất hàng nhái phần lớn là các cá nhân hoạt động riêng lẻ, kín đáo. Nơi buôn bán hàng nhái thường là cửa hàng kinh doanh cố định. Một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh cũng sản xuất và buôn bán hàng nhái.

 Hình thức bao bì và tem nhãn giả rất giống hàng thật

Thực trạng đó cho thấy, việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái đang phát triển mạnh dẫn tới việc làm lũng đoạn thị trường. Song song với đó là biện pháp xử lý chưa thực sự đủ mạnh để có sức răn đe nên tình trạng trên ngày càng diễn ra phổ biến.

Theo lãnh đạo Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, khi xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể dùng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Trong đó, với hàng nhái, biện pháp phổ biến nhất tại Việt Nam là xử lý hành chính, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tối đa 250 triệu đồng, tổ chức là 500 triệu đồng.

Ưu điểm của biện pháp này là xử lý nhanh (thông qua các lực lượng thực thi như thanh tra khoa học và công nghệ, QLTT, công an) nhưng chưa bảo đảm quyền lợi cho chủ sở hữu như bồi thường thiệt hại.

Với xu thế không hành chính hóa các quan hệ dân sự, các vụ việc liên quan đến hàng nhái sắp tới có thể sẽ được giải quyết thông qua tòa án. Đây là biện pháp chủ đạo của các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam lại chưa phát huy do thủ tục phức tạp, kéo dài và cả năng lực bất cập của người thực thi.

PV