Hơn 70% sừng tê giác tại Việt Nam là hàng giả?

(SHTT) - Từ những công dụng thần kì mà người ta truyền tai nhau về công dụng của sừng tê giác, mà trên thị trường sừng tê giác giả xuất hiện ngày càng nhiều.

 Bắt giữ gần 5 kg sừng tê giác buôn lậu qua đường hàng không 

Với những lời đồn thổi được truyền tai nhau về công dụng của sừng tê giác như, giải độc rượu sau khi say mềm, chữa được ung thư, hay tăng cường "bản lĩnh" đàn ông, sừng tê giác luôn là sản phẩm được nhiều người "săn đón" và giá của nó cũng luôn được so sánh là đắt hơn vàng khi lên đến cả 100 triệu đồng/100gr.

Sự thật về sừng tê giác

Năm 2012, theo thông tin đăng tải trên báo Dân Việt, có đến 70% số sừng tê giác ở Việt Nam được kiểm tra là giả. Đó là những thông tin được đưa ra sau buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Môi trường và nguồn nước Nam Phi và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

Tuy nhiên, trước thông tin đó, sừng tê giác không hề giảm độ "hot", nó vẫn là món hàng được nhiều đại gia săn lùng. Một quen từng mua mặt hàng "quốc cấm" này chia sẻ, không quá khó để mua được sừng tê giác và dụng cụ mài, sừng tê giác được các đại gia coi như một món hàng dùng để "khoe" độ đẳng cấp với các đối tác.

Câu chuyện này cũng được đưa ra chia sẻ với một cán bộ cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội, chúng tôi nhận được câu trả lời: " Sừng tê giác là sản phẩm bị cấm buôn bán, nhưng không biết từ đâu mà về Việt Nam lại muốn mua bao nhiêu cũng có, nhiều đại gia chỉ vì muốn thể hiện độ "chịu chơi" với bạn bè mà bị các đối tượng buôn bán sừng tê giác giả qua măt một cách dễ dàng".

Anh này cũng chia sẻ thêm, hầu hết các sản phẩm sừng tê giác bán trên thị trường đều là giả mạo. Sừng tê giác thật chỉ có khi được buôn lậu từ châu Phi về Việt Nam, và số lượng tất nhiên không có nhiều. Chính vì giá của sản phẩm này đắt hơn cả vàng, nên công nghệ làm giả cũng xuất hiện và ngày một tinh vi hơn. Các chuyên gia đôi khi còn khó phát hiện ra bằng mắt thường chưa nói đến người ít khi tiếp xúc với sản phẩm này.

Chia sẻ trên báo Dân Trí, Tiến sỹ Đặng Tất Thế - Trưởng phòng Hệ thống học phân tử và di truyền bảo tồn, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Số người giám định động vật hoang dã bằng công nghệ giám định gene trên toàn quốc khá hiếm hoi nên ông luôn được các cán bộ điều tra phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã đặt cho biệt danh "tài sản quý của quốc gia" cần được… bảo tồn.

Ông là người thường xuyên đi giám định gene động vật hoang dã được các cơ quan công an bắt giữ của đối tượng buôn lậu. Suốt nhiều năm, ông nhận thấy, hầu hết sừng tê giác là giả. Còn công nghệ làm giả, thì tinh vi đến nỗi chỉ những chuyên gia như ông mới không bị qua mắt.

Liên tiếp bắt giữ những vụ buôn lậu sừng tê giác 

Chiều 16/4/2017, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, đơn vị đã tiến hành khởi tố vụ án, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ buôn lậu gần 5 kg sừng tê giác từ Châu Phi về Việt Nam.

Theo đó, lực lượng phối hợp gồm Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74), Bộ công an và Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM đã phát hiện, hai hành khách từ châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Qua quá trình tiến hành kiểm tra hành lí của 2 hành khách gồm 1 đối tượng nữ 34 tuổi và 1 đối tượng nam 21 tuổi, lực lượng chức năng phát hiện 7 khúc sừng tê giác với tổng trọng lượng gần 5 kg.

Được biết, đây là loại sừng tê giác hai sừng châu Phi rất quý hiếm, trị giá số sừng này ước tính hơn 6 tỷ đồng.

Nhằm qua mặt lực lượng kiểm tra an ninh sân bay, hai hành khách chia nhỏ sừng tê giác ra và cất giấu khá tinh vi trong hành lý cá nhân, dụng cụ gia đình, thùng loa máy vi tính. Tuy nhiên với kinh nghiệm và các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát và thu thập thông tin, cơ quan hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc trên. 

Ngay sau đó, chi Cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành khởi tố vụ án, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ đường dây, ổ nhóm, hành vi vi phạm của các đối tượng liên quan.

Trước đó, ngày 29/12/2016, Lực lượng hải quan Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) Bộ Công an phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển sừng động vật nghi là sừng tê giác với số lượng lớn vào Hà Nội qua đường hàng không 

Theo đó, qua thu thập thông tin trước chuyến bay và từ công tác soi chiếu hành lý, hàng hóa nhập khẩu, lực lượng hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) Bộ Công an phát hiện nghi vấn từ một kiện hành lý là valy màu đỏ bọc nilong màu trắng có số thẻ TM 118344, trọng lượng 61,20kg.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, 6 sừng trước và 3 sừng sau cùng 7 khúc sừng và 3 miếng sừng bé. Tổng trọng lượng của số sừng trên hơn 50 kg. Trong đó chiếc sừng nặng nhất có trọng lượng hơn 7kg. 

Theo nhận định của một cán bộ hải quan làm công tác chống buôn lậu tại khu vực cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, nếu số sừng động vật trên vận chuyển trót lọt vào nội địa và được đem bán ngoài chợ đen, giá của số sừng trên có thể lên đến ít nhất hơn 20 tỷ đồng. 

Cách phân biệt sừng tê giác thật và giả

Thủ đoạn làm giả sừng tê giác ngày càng trở nên tinh vi hơn bao giờ hết, các đối tượng thường phần gốc sừng là đồ thật, có da và lông phủ, sau đó mài giũa, ghép phần ngọn là sừng trâu. Những phần nối thường sử dụng sản phẩm thật nên rất khó có thể nhận ra.

Các đối tượng cũng không quên bôi sáp vào sừng giả để chống nứt, lông gần gốc sừng tê giác cũng được các đối tượng khéo léo gắn lông khác có cấu tạo không khác gì "hàng thật" vào để qua mắt người mua.

Theo chia sẻ của một vài ngươi có kinh nghiệm thì có một số cách sau để phân biệt sừng tê giác thật và giả:

Sừng tê giác thường rất nặng, nặng như đá cục và đặc. hơi trong như cái đầu mút của sừng châu. Khi quan sát thấy nó to hơn quả trứng vịt có khả năng là sừng tê giác thật, còn lại nếu nhỏ hơn quả trứng gà thì có nguy cơ là đã bị các đối tượng làm giả.

Sừng tê giác thật xuất phát từ mô lông, còn các loại khác xuất phát từ mô xương nên sừng tê giác có thể bóc tác được.

Thớ sừng tê giác to hơn với sợi thô hơn sợi trên sừng trâu, bò. Nếu tinh mắt có thể nhận thấy sừng trâu bò có nguồn gốc từ sọ nên khi để khô thường có vết nứt đồng tâm giống như vòng tròn tăng trưởng phía trong, còn sừng tê giác không có dấu hiệu này.

PV (t/h)