WTO yêu cầu thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19

(SHTT) - Tổng giám đốc WTO đã kêu gọi các nước thành viên đàm phán về văn kiện tạm thời nới lỏng các quy tắc bảo vệ công nghệ vắc-xin COVID-19. Việc này được xem như một cách giúp người dân tăng cường tiếp cận liều lượng vắc-xin.

Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới đã tham gia một cuộc họp kín gồm đại sứ của các nước phát triển và đang phát triển. Phát ngôn viên Keith Rockwell cho biết cuộc họp thảo luận về vấn đề tiếp cận các phương pháp điều trị COVID-19 với quy mô rộng lớn hơn.

Đại hội đồng của WTO đang tập trung giải quyết việc từ bỏ tạm thời đối với quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19 và các thiết bị hỗ trợ khác. Đây là vấn đề then chốt của cuộc họp và đã được Nam Phi và Ấn Độ đề xuất lần đầu vào tháng 10/2020. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ từ phía các nước đang phát triển và một số nhà lập pháp tiến bộ ở phương Tây.

 Bằng sáng chế của vắc-xin COVID 19 sẽ được đưa ra thảo luận

Tóm tắt cuộc họp, ông Rockwell cho biết hầu hết các thành viên đều hướng tới mục tiêu chung là tăng cường sản xuất, phân phối các loại vắc-xin cũng như những phương pháp điều trị và chẩn đoán ở các nước đang phát triển. Duy chỉ có một số các nước phát triển còn do dự hoặc phản đối đề xuất, chính quyền Biden cũng dường như đang lưỡng lự về vấn đề này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki lưu ý rằng ông Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng từ bỏ quyền sở hữu tương tự trong chiến dịch tranh cử của mình. Tuy nhiên, với tư cách là tổng thống, ông phải thực hiện một quy trình có thể sẽ kéo dài nhiều tháng để lấy ý kiến của các bên liên quan trong chính quyền.

 Đa số chính quyền và người dân Mỹ ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu đối với vắc-xin COVID 19

Ông Rockwell cho biết WTO đã thành lập Ban hội thẩm về sở hữu trí tuệ để giải quyết đề xuất từ bỏ quyền sở hữu vắc-xin tại một cuộc họp "dự kiến" vào cuối tháng 5/2021, trước cuộc họp chính thức vào ngày 8-9/6.

Dự kiến hai ngày sau đó, theo quy định bắt buộc của WTO, một cuộc thảo luận riêng sẽ được tiến hành nếu cuộc họp chính thức không đi đến được sự đồng thuận. Điều đáng mừng là giọng điệu của các thành viên sau nhiều tháng tranh cãi đã có sự thay đổi. Ông cho biết cuộc thảo luận mang tính xây dựng và ít gay gắt hơn so với trước đây, sau khi nhắc đến những nơi đại dịch đang lan tràn như Ấn Độ.

Do đề xuất này vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm và công nghệ sinh học tiên tiến, phe đồng ý từ bỏ bằng sáng chế cũng lùi một bước, sửa đổi một số chi tiết với hy vọng nhận lại được sự đồng thuận.

 Quyền sở hữu vắc-xin COVID 19 vẫn đang được thảo luận

Tổng giám đốc Okonjo-Iweala cho biết nhiệm vụ của WTO là phải nhanh chóng đưa ra văn kiện sửa đổi quyền sở hữu trí tuệ của vắc-xin, đồng thời bắt đầu thực hiện các cuộc đàm phán dựa trên văn kiện này. Bà tin chắc rằng một khi văn kiện được ban hành, con đường phía trước sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Một quan chức thương mại tại Geneva tiết lộ rằng những người đề xuất ý tưởng đã hợp tác với các cơ quan ngoại giao khác để chứng minh lập luận của họ là đúng. Dù vậy, hiện tại các phe đối lập vẫn chưa tìm thấy ý kiến chung.

Gần đây, phe ủng hộ bỏ quyền sở hữu đối với vắc-xin đã thấy nhiều hy vọng hơn cho đề xuất này sau phát ngôn của Katherine Tai, đặc phái viên thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bà cho rằng khoảng cách bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin COVID-19 giữa các nước phát triển và đang phát triển là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và không được lặp lại những sai lầm đã mắc phải khi ứng phó với đại dịch HIV.

Thông điệp của đặc phái viên thương mại Katherine Tai về việc ủng hộ gỡ bỏ quyền sở hữu vắc-xin COVID 19 

Khi bàn luận về quyền sở hữu trí tuệ, đa số các thành viên WTO cho rằng việc gỡ bỏ các bằng sáng chế, bản quyền và bảo hộ theo kiểu công nghiệp sẽ giúp mở rộng sản xuất và phân phối vắc-xin trong thời gian thiếu hụt nguồn cung. Đề xuất này được đưa ra với mục đích tạm thời xóa bỏ các quy tắc trong vài năm cho đến khi đánh bại đại dịch.

Tuy nhiên, những nỗ lực tại Tổ chức thương mại có trụ sở tại Geneva đã bị bỏ xa bởi tốc độ lây lan của đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới trước đó thông báo số ca nhiễm bệnh đã ở mức cao kỷ lục trong hai tuần qua.

Vấn đề trở nên cấp bách hơn khi các ca bệnh ở Ấn Độ gia tăng nhanh chóng và các bệnh viện trở nên quá tải. Đây là quốc gia đông dân thứ hai thế giới và là nhà sản xuất vắc-xin chủ chốt, bao gồm cả vắc-xin COVID-19. Vắc-xin này được chế tạo dựa trên công nghệ của Đại học Oxford và nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển.

 Ấn Độ chặt cây trong công viên để lấy củi hỏa táng người chết do COVID 19

Những người ủng hộ, bao gồm Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, lưu ý rằng từ bỏ bằng sáng chế vắc-xin là điều phải làm trong bối cảnh đại dịch kéo dài đã cướp đi 3,2 triệu sinh mạng, hơn 437 triệu người bị lây nhiễm và các nền kinh tế bị tàn phá.

Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ đề xuất này, đồng thời 110 thành viên Quốc hội thuộc Đảng Dân chủ của Biden đã gửi cho ông một lá thư vào tháng 4/2021 kêu gọi ông ủng hộ việc từ bỏ.

Ngược lại, những người phản đối nói rằng việc từ bỏ không phải là thuốc chữa bách bệnh. Họ nhấn mạnh rằng việc sản xuất vắc-xin COVID-19 rất phức tạp, không thể tăng tốc bằng cách nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ và cho rằng việc gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ bằng sáng chế có thể ảnh hưởng đến tương lai.

Linh Chi