WHO: Cẩn trọng khi mua bán vắc xin Covid-19 trên web đen

(SHTT) - Trong cuộc họp khẩn ngày 26/3, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo về việc vắc xin Covid-19 giả đang được bán tràn lan trên các trang web đen và yêu cầu người tiêu dùng phải cảnh giác trước các trò lừa đảo vô nhân tính trên.

Theo đó, WHO kêu gọi mọi người không mua vắc xin không nằm trong các chương trình tiêm chủng do chính phủ điều hành. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết, bất kỳ loại vắc xin nào nằm ngoài các chương trình này đều có thể không đạt tiêu chuẩn hoặc bị làm giả, có khả năng gây hại nghiêm trọng.

Vắc xin giả có thể gây hại nghiêm trọng cho người dùng 

Theo báo cáo của tổ chức Y tế Thế giới các nhóm tội phạm liên quan đến việc làm giả vắc xin Covid 19 ngày càng có quy mô lớn và tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng cũng như người sử dụng. Chúng thu thập các lọ vắc xin đã quy sử dụng để sản xuất ra các lọ vắc xin y hệt dùng để giả mạo các chuỗi cung ứng đã được cấp phép hoạt động.

Tedros cho biết: “Chúng tôi khuyến khích việc tiêu hủy các lọ vắc xin đã qua sử dụng để ngăn chặn các nhóm tội phạm tái sử dụng nó”. Ông cũng yêu cầu các quốc gia và cá nhân khi nghi ngờ hoặc phát hiện các hành vi buôn bán vắc xin trái phép và báo cáo chúng cho các cơ quan chức năng.

Những kẻ lừa đảo mua lại lọ vắc xin để làm hàng giả 

Theo BBC, các liều vắc xin AstraZeneca, Sputnik, Sinipharm và Johnson & Johnson đang được chào bán với giá từ 500 đến 750 USD trên các trang web đen.

Một số trang web đen khác còn bán xét nghiệm COVID-19 âm tính giả và thẻ tiêm chủng giả với giá 150 đô la. Các nhà nghiên cứu tại công ty an ninh mạng Check Point cho biết quảng cáo vắc xin Covid 19 tăng gấp ba lần kể từ tháng 1, và một số người bán cung cấp dịch vụ giao hàng vào ngày hôm sau.

Mới đây, một báo cáo từ cơ quan chức năng ở Anh cho biết, trong năm qua đã ghi nhận hơn 6.000 trường hợp buôn bán lừa đảo liên quan đến Covid với giá trị của các phi vụ lên tới 34,5 triệu bảng Anh (48 triệu USD).

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang, người Mỹ đã mất 382 triệu USD vì hành vi gian lận liên quan đến đại dịch coronavirus. Hơn 217.000 người đã báo cáo về hành vi lừa đảo, bán hàng giả hàng kém chất lượng liên quan đến Covid 19 cho cơ quan này kể từ tháng 1 năm 2020.

Tại Việt Nam, thời gian vừa qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vaccine phòng COVID-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ), AstraZeneca… Tuy nhiên, qua xác minh thông tin, các nhà sản xuất vaccine này hiện tại chưa có hoạt động ủy quyền, ủy thác với các tổ chức, cá nhân trên. Vì thế ngoài chương trình tiêm chủng của chính phủ, người dân không được mua bán, sử dụng vắc xin Covid-19 dưới mọi hình thức.

 

Theo số liệu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tổng số người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 08-29/3/2021 là 46.416 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Hân Lê