17 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển thương mại điện tử tại Hà Nội

(SHTT) - UBND thành phố Hà Nội mới đây đã ban hành kế hoạch số 72/KH-UBND trong đó nêu rõ 17 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển thương mại điện tử năm 2021 trên địa bàn Thủ đô.

Cụ thể, theo Kế hoạch số 72/KH-UBND , Hà Nội sẽ triển khai 17 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng hoạt động, cập nhật, hoàn thiện chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội (www.chonhaminh.gov.vn) và ứng dụng trên nền tảng di động của chợ; tạo lập các kênh truyền thông quảng bá chợ thông qua mạng xã hội (Facebook, YouTube); phát triển website nông sản an toàn Hà Nội (https://nongsanantoanhanoi.gov.vn)...

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội cũng sẽ tiếp tực triiển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm của thành phố (http://hn.check.net.vn, http://check.gov.vn); ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin, thanh toán, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử... và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua; phát triển logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử, kết nối Hà Nội với các địa phương khác trong cả nước, khu vực và toàn cầu...

 

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thông tin trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông...

Đặc biệt, tăng cường quản lý thuế điện tử trong thương mại điện tử; tổ chức các sự kiện mua sắm trực tuyến trên địa bàn thành phố; lựa chọn các doanh nghiệp đủ năng lực kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Ngoài ra, kế hoạch số 72/KH-UBND thành phố cũng sẽ tiếp tực vận hành website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” (http://bandomuasam.hanoi.gov.vn) cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, máy bán hàng tự động trên địa bàn thành phố…

Hiện tại, với sự phát triển của công nghệ và sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thương mại điện tử đang là giải pháp chính yếu giúp các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ lẻ đối phó với khó khăn. Theo số liệu thống kê, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt quy mô hơn 11 tỷ USD và người dân có thể mua sắm hầu hết mọi thứ mà không cần tới siêu thị.

Thái An