Bùng nổ hoạt động quảng cáo rao bán vắc xin ngừa COVID-19 trên web đen

(SHTT) - Thông qua một số cuộc điều tra, các nhà nghiên cứu bảo mật đã nhận thấy sự gia tăng đột biến của các quảng cáo rao bán vắc xin COVID-19 và thẻ tiêm chủng vắc-xin trên các trang web đen trong thời gian gần đây.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu bảo mật tại công ty an ninh mạng Check Point Software đã tiến hành một vài cuộc điều tra trên các trang web lậu về những hoạt động liên quan đến COVID-19 kể từ tháng 1 năm 2021. Vượt ngoài dự đoán, nhóm nghiên cứu nhận thấy số lượng quảng cáo về các mặt hàng như vắc xin COVID-19, thẻ tiêm chủng và kết quả xét nghiệm âm tính giả đã gia tăng một cách đáng báo động, lên tới 300% chỉ trong 3 tháng qua.

Hiện tại, các trang web lậu có hơn 1.200 người cung cấp vắc xin từ nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm: Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca, Sputnik và Sinopharm.

Người mua cần bỏ ra 500$ để có thể nhận được một liều vắc xin COVID-19, hay thậm chí chỉ với 25$ là có ngay kết quả xét nghiệm âm tính giả. Thẻ tiêm chủng được coi là 'hàng hiếm' trên các trang này và được bán với giá cao hơn, khoảng 200$.

 Thẻ tiêm chủng COVID-19 giả mạo trên các trang web đen

Tuy nhiên, theo báo cáo của Check Point, không chắc liệu vắc xin COVID-19 có phải là thật hay giả và ngay cả khi đã được kiểm chứng, chưa có gì đảm bảo rằng vắc xin được phép mua bán hợp pháp hay bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.

Gần đây, các nhà nghiên cứu của Check Point đã cố gắng liên hệ và mua vắc xin Sinopharm từ một nhà cung cấp trên trang web đen. Người này cam đoan với nhóm nghiên cứu rằng vắc xin Sinopharm kể trên là hợp pháp và được vận chuyển từ Trung Quốc. Sau khi các nhà nghiên cứu gửi 500$ vào ví Bitcoin của người bán này, họ chỉ nhận được nhãn vận chuyển của FedEx mà chưa có bất kỳ lô hàng vắc xin Sinopharm nào chuyển đến.

Từ sự việc kể trên, công ty tình báo mạng Check Point nhấn mạnh rằng không có cách nào để xác nhận tính xác thực của các quảng cáo được rao bán trên các trang web đen và càng có thêm nghi ngờ về tính xác thực của chúng vì người bán chỉ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Bất chấp việc người bán có thể khẳng định rằng vắc xin và “sản phẩm” của họ là an toàn để sử dụng, nhưng việc mua từ một nguồn không rõ ràng là cực kỳ nguy hiểm và có thể là một trò lừa đảo.

Các nhà nghiên cứu của Check Point hiện đã thông báo vấn đề trên tới Europol. Báo cáo bao gồm danh sách về số lượng người cung cấp vắc xin và các sản phẩm giả mạo trên những trang web đen với hy vọng người mua sẽ không bị rơi vào bẫy của chúng.

Phương Anh