'Chiếc hòm mặt trăng' - Kế hoạch không tưởng giúp duy trì giống nòi nhân loại hậu tận thế

(SHTT) - Các nhà khoa học đang lên kế hoạch có tên 'Chiếc hòm mặt trăng' nhằm đưa 6,7 triệu mẫu tinh trùng của con người lên mặt trăng lưu trữ để chuẩn bị cho ngày tận thế của nhân loại ở Trái đất.

Ngày nay, dịch bệnh, thiên tai, khủng bố và nhiều thảm họa khác đang ngày càng đe dọa đến sự sinh tồn của con người và các loài động thực vật. Mặc dù câu chuyện tuyệt chủng có thể rất xa xôi hoặc thậm chí không xảy đến nhưng sự chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất diễn ra là điều hoàn toàn cần thiết. Vì vậy, mới đây, các nhà khoa học đã đề xuất ý tưởng mang tinh trùng lên mặt trăng để lưu giữ.

Ý tưởng đặc biệt này thuộc về một nhóm 6 nhà nghiên cứu của Đại học Arizona, Hoa Kỳ. Tại hội thảo Hàng không vũ trụ của Học viện kỹ sư điện và điện tử (IEEE) gần đây, nhóm khoa học này đã thực hiện một bài thuyết trình về kế hoạch bảo vệ nhân loại khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Theo thông tin từ Insider, nhóm nghiên cứu đang hướng đến một chiến dịch mang tên “Chiếc hòm mặt trăng”. Chiếc hòm khổng lồ này sẽ là nơi cất giữ 6,7 triệu mẫu tinh trùng, trứng và hạt giống của con người, loài vật và cây cối. Sau khi được đưa lên mặt trăng, chiếc hòm sẽ được lưu trữ trong một hầm an toàn dưới mặt đất hoặc nằm trong một “hố mặt trăng” nào đó.

Tinh trùng có thể sẽ được lưu trữ trên mặt trăng 

Tại sao lại đưa chiếc hòm này lên mặt trăng mà không phải bảo quản dưới bề mặt trái đất? Trả lời câu hỏi trên, các nhà khoa học đến từ đại học Arizona cho biết đại dịch, chiến tranh hạt nhân hay các thảm họa thiên nhiên như phun trào núi lửa hoàn toàn không thể đoán trước được. Nhưng một sự chuẩn bị cẩn thận là điều chúng ta có thể để cứu lấy nhân loại. Bảo quản các mẫu tinh trùng tại trái đất có thể tiết kiệm chi phí nhưng lại không an toàn nếu có bất cứ điều gì xảy đến bất ngờ.

Đây không phải là lần đầu tiên hầm chứa tinh trùng, trứng và hạt giống cho ngày tận thế được đưa ra. Trước đó một chiếc hầm như vậy đã được xây dựng tại Svalbard, Na Uy. Nhưng kế hoạch của 6 nhà khoa học hướng đến việc đưa các mẫu trên lên mặt trăng cất giữ và nó cần đến một khoản kinh phí khủng lồ. Để ngăn các mẫu vật không bị đóng băng hoặc dính chặt lại với nhau ở mức nhiệt độ dưới 0 bên dưới bề mặt Mặt Trăng, các nhà khoa học cũng đề xuất xây dựng các tấm pin năng lượng Mặt trời để cung cấp năng lượng cho hầm chứa mẫu vật.

Mẫu tinh trùng được bảo quản đông lạnh 

Jekan Thangavelautham một trong 6 tác giả đã trình bày cụ thể về kế hoạch tổng cộng 250 chuyến bay từ trái đất tới mặt trăng để vận chuyển hết các mẫu vật cần cất giữ. Trong khi đó, để xây dựng thành công Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), chúng ta chỉ cần đến 40 chuyến bay vào không gian. Điều này cho thấy, “Chiếc hòm mặt trăng” sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí của loài người. Bởi thế, nghiên cứu của nhóm nhà khoa học này nhận được không ít ý kiến trái chiều và gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn khoa học.

Hân Lê