Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: 'Tiêm vaccine Covid-19 không bảo đảm phòng bệnh 100%'

(SHTT) - Sáng 6/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu về việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, trước mắt, từ ngày 8/3 tới, Bộ Y tế phân bổ vaccine ngừa COVID-19 cho 13 tỉnh thành phố có dịch và ưu tiên cho Hải Dương - điểm nóng về phòng chống dịch. Ngày 8/3, sẽ tiêm mũi đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Trong lần tiêm này, Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch. Những mũi tiêm đầu tiên được dành cho người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm với đối tượng này. Bộ Y tế tổ chức tiêm tại tất cả cơ sở có điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc là những người có khả năng lây nhiễm rất cao, sau đó là những người tham gia công tác phòng chống dịch tại cộng đồng như nhóm làm công tác truy vết, xét nghiệm…

 Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: 'Tiêm vaccine Covid-19 không bảo đảm phòng bệnh 100%'

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay quan điểm của Bộ Y tế là cố gắng đưa vaccine Covid-19 vào tiêm chủng cho người dân nhanh nhất. Song song việc nhập khẩu vaccine cho người dân, việc đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vaccine nội địa cũng rất quan trọng.

Theo Bộ trưởng Long, vaccine Covid-19 là loại ra đời nhanh nhất và được đưa vào sử dụng sớm nhất trong lịch sử sản xuất vaccine của nhân loại. Do đó, thời gian chưa đủ để theo dõi tiến trình sử dụng lâm sàng, đánh giá, khẳng định về hiệu quả. Đồng thời mức độ bảo vệ của vaccine giữa các nhà sản xuất cũng có sự khác nhau nhất định.

Với các loại vaccine Covid-19 hiện nay, chúng ta không thể khẳng định chúng an toàn 100%. Những phản ứng bất lợi sau tiêm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, do vaccine Covid-19 được nhập khẩn cấp về nước, cách thức triển khai của chúng ra phải thận trọng. Do là lý do dù vaccine được nhập về từ 24/2, Việt Nam phải chờ chứng nhận từ Hàn Quốc và trải qua nhiều quá trình chứng minh hiệu quả lâm sàng mới có thể triển khai tiêm.

Trong thời gian vừa rồi, Bộ Y tế tích cực triển khai kế hoạch tiêm chủng để đảm bảo an toàn nhất. Ông Long cho hay việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam có nhiều khác biệt với quốc tế. Điểm khác biệt đầu tiên là Việt Nam sẽ triển khai khám sàng lọc trước khi tiêm để đảm bảo an toàn. Việc này có thể khiến chúng ta mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ đảm bảo an toàn nhất cho người dân. Việc sàng lọc này sẽ được thiết kế tối giản trên phần mềm.

Điểm khác biệt thứ 2 là quá trình tiêm chủng được lưu trữ trên hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân. Cơ sở y tế có trách nhiệm tải phần mềm, người dân tải app hồ sơ sức khỏe. Khi đó, người dân có thể giám sát chủ động về sức khỏe, theo dõi phản ứng bất lợi sau khi tiêm.

Hạ Vân