Chân dung thầy giáo 9x tái chế rác thải thành đồ dùng học sinh

(SHTT) - Thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết, đến từ trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Q. Thanh Xuân, Hà Nội được nhiều người biết đến với ý tưởng tái chế các sản phẩm chai nhựa, giấy vụn, bìa cát tông… để làm thành những mô hình giảng dạy, đồ dùng học tập.

Mới đây, công trình "Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học cho học sinh phổ thông" của thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết (24 tuổi) vừa xuất sắc lọt vào top 15 công trình, sáng kiến sẽ tham gia tranh tài tại vòng chung khảo chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020. Chương trình do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Công trình gây ấn tượng bởi những sản phẩm làm từ rác thải trở thành giáo cụ trực quan được sử dụng tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). 

Những sản phẩm từ rác thải của thầy Quyết và học trò được nhắc đến là: Mô hình tái hiện chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bằng bìa và chai nhựa; Mô hình tái hiện lịch sử phát triển loài người bằng xốp và bã kẹo cao xu; Mô hình học tập môn Hoá học từ chai nhựa, thép và bìa… Cùng với những sa bàn về lịch sử được chính học sinh trong trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thực hiện.    

Thầy giáo 9x tái chế rác thải thành đồ dùng học sinh 

Ngay từ khi còn là sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Quyết luôn trăn trở với hiện tượng rác thải xả bừa bãi, không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng đến môi trường và con người. Thầy Quyết chia sẻ: “Mỗi ngày, con người xả ra môi trường khá nhiều rác thải nhựa. Rác thải nhựa bị đốt, bị vứt ra sông ngòi, chôn lấp hay chất đống... đều gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, gây mất cân bằng sinh thái và chưa có bài toán xử lý triệt để".  

"Xuất phát từ môi trường và không muốn rác thải trở thành gánh nặng cho xã hội, mình nghĩ nên góp một phần công sức cho môi trường mình làm việc, sinh sống trước. Phần thứ 2 là những dụng cụ học tập sinh động và trực quan giúp học sinh dễ tiếp thu, luôn thích thú với môn học cũng là điều giúp mình có thêm động lực và đam mê với công việc này hơn", thầy Quyết cho biết thêm.

Thầy Nguyễn Hữu Quyết đã xây dựng quy trình tái chế rác thải thành đồ dùng học tập. Bước đầu tiên, tại trường, học sinh để rác đúng nơi quy định là các thùng rác đã phân loại sẵn. Kết thúc mỗi buổi học, học sinh gom toàn bộ số lượng rác này cùng các bác lao công. Bước thứ 2, thầy Quyết cùng các học trò làm sạch rác. “Khi phân loại rõ ràng, học sinh sẽ chia thành các nhóm để tẩy rửa, làm sạch  sau đó phơi khô dưới nắng, rồi xếp vào thùng bìa hoặc túi nilon lớn, cất vào kho của trường để phục vụ việc tái chế”, thầy Quyết cho biết.      

 Thầy Quyết bên cạnh mô hình của mình

Lúc đầu số lượng học sinh tham gia rất ít mà số lượng rác thải cần phục vụ tái chế nhiều. Thầy chia sẻ điều này với Ban giám hiệu, ý tưởng tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học được ứng dụng ngay vào các môn học trong trường.  

Chứng kiến hiệu quả việc làm của thầy Quyết và các trò, nhiều thầy cô đã tin tưởng. "Đơn hàng" ngay trong trường đã đến, thầy Quyết và trò làm theo nhu cầu giảng dạy của các môn học hoặc hoặc tự chọn chủ đề. Những mô hình mà thầy Quyết và học trò làm ra đã được các thầy cô ứng dụng trong giảng dạy các môn khoa học xã hội trong nhà trường như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; Các môn khoa học tự nhiên như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ…  

Từ những mô hình đầu tiên về chủ quyền biển đảo, các bộ phận cấu thành của lãnh thổ Việt Nam, mô hình bản đồ Việt Nam đến sa bàn về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng hay đại thắng mùa xuân năm 1975, đến nay hầu hết các bộ môn khoa học xã hội ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đều được thầy Quyết cùng học trò sáng tạo ra những mô hình học tập trực quan, sinh động. 

Hương Mi