Blife: Công nghệ giúp khôi phục hồi chức năng giao tiếp cho người bệnh

(SHTT) - PGS.TS Lê Thanh Hà cùng các cộng sự tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội mới đây đã phát triển thành công một hệ thống tương tác người - máy tính có khả năng cải thiện và phục hồi chức năng ngôn ngữ cho người gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc chấn thương.

Chiếc máy mang tên My Beautiful Life (gọi tắt là Blife) được tạo ra nhằm Blife nhằm mục đích hỗ trợ giao tiếp cho những người không may mắn bị rơi vào tình trạng không thể vận động và thậm chí không thể giao tiếp bằng lời nói.

  Với BLife, người bệnh chỉ cần dùng chuyển động của mắt để tương tác với thiết bị. Hệ thống này bao gồm một camera chuyên dụng đọc cử động mắt và chuyển tín hiệu đó thành tọa độ trên màn hình, giúp người dùng chọn hình ảnh hiển thị hoặc từ ngữ tiếng Việt để phát qua loa. Người dùng cũng có thể thực hiện các tương tác khác như ghi chú, tìm duyệt thông tin trên internet, viết email hay tham gia mạng xã hội.

 PGS.TS Lê Thanh Hà (nam, áo họa tiết) cùng các thành viên của BLife và một bệnh nhân đang dùng ứng dụng 

Ngoài phục vụ những người bị tổn thương chức năng vận động, các tác giả cho biết Blife cũng có thể được tùy chỉnh để hỗ trợ những người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng ở tình huống không thể sử dụng cách thông thường để tương tác với máy tính, chẳng hạn trong môi trường thực tại ảo, du hành vũ trụ…

 

Bên cạnh đó, Blife hiện còn được mở rộng chức năng để có thể hỗ trợ phục hồi cho người bị rối loạn ngôn ngữ thông qua nền tảng hỗ trợ trị liệu ngôn ngữ mà nhóm nghiên cứu đang phát triển được đặt tên là Aigle. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã xây dựng “gần như hoàn chỉnh” nền tảng nội dung và hiện đang kết nối chúng với ứng dụng trên thiết bị di động. Hệ thống này sẽ không chỉ hữu ích với những bệnh nhân trưởng thành bị rối loạn ngôn ngữ do đột quỵ (nhóm này chiếm tỷ lệ rất lớn) mà còn có thể hỗ trợ trị liệu ngôn ngữ cho trẻ em tự kỷ và nhiều nhóm đối tượng khác.

Hà An