Bộ Công Thương đề nghị cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán

(SHTT) - Đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về việc đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay, 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã xây dựng kế hoạch, ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt 39.400 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với lượng tăng trung bình từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020, cùng với đó là các chương trình khuyến mại cụ thể. Dự báo, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

 Bộ Công Thương đề nghị cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán

Các chương trình kích cầu tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng đã được các doanh nghiệp phân phối lên kế hoạch chi tiết với các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà. Cùng với các hình thức bán hàng trực tiếp tại điểm bán, các đơn vị phân phối còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng… nhằm phục vụ tốt nhất nhu mua sắm của người tiêu dùng. Công tác tổ chức bán hàng được triển khai song song với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, cũng như phòng chống dịch Covid-19.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cũng đề xuất các đơn vị chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong công tác vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, ông Trần Việt Hùng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đặc biệt lưu ý đến vấn đề kiểm soát giá cả, chất lượng, an toàn thực phẩm nhất là đối với mặt hàng đông lạnh. Bên cạnh đó, có một số mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại ghi nhãn mác Việt Nam. “Chúng tôi kiểm tra ở một số siêu thị và đã có hiện tượng này. Các siêu thị cần kiểm soát nguồn hàng đưa vào, nhất là các siêu thị cho thuê các gian hàng phải kiểm soát đối tượng thuê gian hàng, tránh trường hợp các hộ trà trộn kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gây mất uy tín cho toàn bộ siêu thị”, ông Hùng chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, xác định lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết) gồm: gạo 292.500 tấn; thịt lợn 56.700 tấn; thịt gà 18.900 tấn; thịt bò 18.459 tấn; trứng gia cầm 396 triệu quả; rau củ 315.000 tấn; thực phẩm chế biến 11.114 tấn; thủy hải sản 15.740 tấn; trái cây 156.000 tấn.

Đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thời điểm hiện tại như sau: gạo đáp ứng 57,7%; thịt lợn 92%; thịt gà cơ bản đáp ứng nhu cầu;… Các đơn vị trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.

Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại buổi làm việc 

Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại buổi làm việc đề nghị, Sở Công Thương Hà Nội cùng các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tham gia thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chất lượng, đến lưu thông phân phối, cũng như Sở Công Thương Hà Nội cần theo dõi sát diễn biến thị trường cuối năm để có được kịch bản ứng phó kịp thời không để xảy ra bất ổn thị trường.Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng cần điều tiết lượng cung, kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước không để giá lợn tăng nóng, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, Sở cũng phải kiểm soát tốt việc nhập khẩu, chất lượng hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, Sở phải chia sẻ thông tin với các cơ quan quan thông tấn báo chí, làm tốt truyền thông, hàng hóa chuẩn bị đầy đủ...

Hà Vân