Phát hiện công ty Hàn Quốc làm giả thực phẩm chức năng xuất lậu sang Việt Nam

(SHTT) - Mới đây, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc vừa phát hiện hai công ty sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) làm giả tinh chất hồng sâm và xuất khẩu lậu sang Việt Nam.

Nhắc đến thực phẩm chức năng, dư luận không thể không nhắc đến những vi phạm tràn lan hiện nay, đó là một thị trường hỗn loạn, “vàng thau lẫn lộn”, đặc biệt là vấn nạn quảng cáo sai sự thật, công dụng của sản phẩm, dùng hình ảnh của các cá nhân, tổ chức,… nhằm đạt được mục đích bán hàng, đây là hiện trạng diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua, thế nhưng, vẫn chưa có nhiều biến chuyển về việc xử lý sai phạm… các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng thường chỉ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt chưa đủ sức răn đe cùng với biện pháp bổ sung là gỡ bỏ nội dung quảng cáo.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, đơn vị này đã xử phạt 45 công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm, với số tiền phạt hơn 2,6 tỷ đồng, sai phạm chủ yếu được các cơ quan quản lý chỉ ra đó là những hành vi quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh,…

 Phát hiện công ty Hàn Quốc làm giả thực phẩm chức năng xuất lậu sang Việt Nam

Đặc biệt, mới đây, tờ Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, kết quả điều tra của cơ quan chức năng Hàn Quốc cho thấy, vào tháng 12/2019, công ty thứ nhất (gọi tắt là công ty A) có trụ sở tại thành phố Cheonan, tỉnh Chungnam đã sản xuất 2.000 chai tinh chất hồng sâm giả và dán tem nhãn mô tả sản phẩm là "viên hồng sâm 6 năm tuổi 365 cô đặc" để làm giả sản phẩm Korea Red Ginseng Tablet 365 Gold.

Tem nhãn giả thực phẩm chức năng được công ty thứ hai gọi tắt là B., có trụ sở ở thành phố Wonju, tỉnh Gangwon, cung cấp. Công ty B chịu trách nhiệm xuất khẩu lậu 2.000 chai thực phẩm chức năng giả trên do công ty A sản xuất sang Việt Nam.

Tới tháng 2/2020, công ty A tiếp tục sản xuất 14.000 chai thực phẩm chức năng giả tương tự và cung cấp cho công ty B mà không dán nhãn sản phẩm. Công ty B vẫn chịu trách nhiệm in ấn và dán tem nhãn giả với thiết kế mới, trong đó thêm vào nội dung sản phẩm đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn "Thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe", kèm theo đó là hạn sử dụng từ 2 đến 3 năm.

Sau đó, công ty B đã xuất khẩu lậu 1.400 sản phẩm giả sang Việt Nam, 12.000 sản phẩm còn lại đã bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ trước khi xuất khẩu.

Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm cho biết hai công ty trên đã vi phạm "Luật quảng cáo thực phẩm" và đang được cảnh sát Hàn Quốc xử lý hành chính.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi và điều tra kỹ các cơ sở kinh doanh sản xuất thực phẩm chức năng làm mất uy tín của đất nước, và đối với trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", đại diện Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cho biết.

Người tiêu dùng cần chú ý TPCN không thay thế được thuốc chữa bệnh, mà chỉ có tác dụng nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ việc điều trị bệnh. Người dân khi sử dụng cần tuân theo tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý dùng, nhất là khi sử dụng TPCN với hàm lượng cao trong thời gian dài. Bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, mọi người không nên mua, không sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... Đây là những quảng cáo sai sự thật.

Vân Trang