Năm 2020, loạt ông lớn ngân hàng đặt 'tham vọng' với chỉ tiêu tăng mạnh nợ xấu

(SHTT) - Một số ngân hàng gây bất ngờ khi đặt chỉ tiêu nợ xấu cao hơn gần gấp đôi so với thực hiện năm 2019.

Sáng 26/6, Vietcombank tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Trong khi nhiều ngân hàng khác vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận cho năm 2020 thì Vietcombank lại bỏ ngỏ chỉ tiêu này. Thay vào đó, Vietcombank đề xuất cổ đông giao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 cũng như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt ,Vietcombank đặt chỉ tiêu về nợ xấu năm nay ở mức tối đa là 1,5% trên tổng dư nợ. Con số này cao hơn gần gấp đôi so với thực hiện năm 2019 (0,78%).

Theo lý giải của ngân hàng, nợ xấu xây dựng ở mức cao hơn là do tác động từ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

 Kế hoạch kinh doanh năm 2020 và kết quả kinh doanh năm 2019 tại Vietcombank.

Tại thời điểm cuối năm 2019, Vietcombank có số nợ xấu tuyệt đối ở mức hơn 5.800 tỷ đồng, với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu là 178%. Trên cơ sở kế hoạch tín dụng hơn 815 nghìn tỷ đồng trong năm nay, số nợ xấu của Vietcombank dự tính tối đa có thể lên đến hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2020, Vietcombank có tổng nợ xấu tăng 7% so với đầu năm, chiếm hơn 6.191 tỷ đồng, chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 32%, chiếm gần 904 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 43%, chiếm hơn 837 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,79% lên mức 0,82%.

Tương tự, ông lớn MBBank cũng đề xuất phương án kế hoạch lợi nhuận 2020 giảm 10% so với năm 2019. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này ở mức 10.036 tỷ đồng.

Như vậy, năm 2020, dự kiến lợi nhuận sẽ ở mức khoảng trên 9.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoài kế hoạch lợi nhuận thận trọng, MBBank còn đặt chỉ tiêu nợ xấu năm nay ở mức tối đa là 1,9% trên tổng dư nợ, khá thấp so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, con số này cao hơn nhiều so với thực hiện năm 2019 (1,16%).

 Kế hoạch kinh doanh năm 2020 và kết quả kinh doanh năm 2019 tại MBBank. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020, nợ xấu nội bảng của MBBank ở mức 4.005 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm. Nợ xấu gia tăng chủ yếu do nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng vọt 93%, lên mức 1.734 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng vọt 47%, lên mức 905.71 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,16 % lên 1,62 %.

Ngay cả Techcombank cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt 13.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với năm 2019. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu năm 2020 nhà băng này dự kiến thấp hơn 3%. Con số này cũng cao gấp đôi so với thực hiện năm 2019 (1,33%).

 
 Kế hoạch kinh doanh năm 2020 và năm 2019 tại Techcombank.

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 1,9 - 3,2% vào cuối quý II và 2,6 - 3% vào cuối 2020.

Hà Phương