Hàng nghìn người dân từ chối nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ: Chung tay vì đất nước

(SHTT) - - Trong mấy ngày gần đây, khi địa phương thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hàng ngàn người dân ở Thanh Hoá đã làm đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Thêm một lần nữa, nhiều người dân thuộc diện được thụ hưởng chính sách đã tự nguyện không nhận hỗ trợ, để chia sẻ và giảm bớt khó khăn với Nhà nước.

Thực tế, trong những ngày qua, hàng ngàn người dân ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, để nhường cho những người khó khăn hơn; và họ thấy rằng “việc làm này đem lại điều tốt cho đất nước và cho địa phương”.

Hàng nghìn lá đơn đã được người dân ở Thanh Hóa viết và gửi chính quyền trong mấy ngày gần đây, khi địa phương thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có chung một nội dung: “Xét thấy điều kiện gia đình đang ổn định, có thể tự túc vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi cảm ơn Đảng, Chính phủ và xin không nhận, nhường lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”.

 Hàng nghìn người dân từ chối nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ: Chung tay vì đất nước

Ông Trịnh Minh Là, thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa là một trong hàng nghìn người dân trên địa bàn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Ông là đối tượng người có công, nhiễm chất độc hóa học, theo quy định của Nghị quyết 42 của Chính phủ, gia đình ông Tính sẽ được hỗ trợ 4,5 triệu đồng trong 3 tháng.

Tương tự, ông Lê Đình Tính (76 tuổi), ở thôn Phúc Cường, xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân là một trong hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện này cũng tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.

Gia đình ông Tính thuộc hộ cận nghèo. Theo quy định của NQ 42/NQ-CP, gia đình ông Tính sẽ được hỗ trợ 4,5 triệu đồng trong 3 tháng cho 6 nhân khẩu.

"Gia đình tôi là hộ nghèo. Trong đợt dịch Covid-19, tôi nghĩ mình không phải là khó khăn quá và muốn nhường phần của mình cho người khó khăn hơn. Tôi không giúp ích được gì cho xã hội, nhiều người già cả 80 - 90 tuổi còn ủng hộ được tới 20 tấn gạo", ông Tính tươi cười chia sẻ.

Dù đã tuổi cao, nhưng xét thấy gia đình vẫn có thể tự chủ được, nhiều gia đình đã quyết định tự nguyện làm đơn xin không nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng, với tinh thần 'nhường cơm, sẻ áo'.

Có thể thấy đối với nhiều người, khoản tiền hỗ trợ có thể không là gì, nhưng với những người nghèo, đây là một khoản hỗ trợ lớn, có thể cứu đói gia đình họ trong một khoảng thời gian dài chờ đến vụ mùa hay ổn định cuộc sống.

Nhưng vì sao họ lại viết đơn tự nguyện không nhận khoản tiền hỗ trợ này? Có lẽ hơn ai hết, họ là người hiểu rất rõ giá trị đồng tiền. Đồng tiền mà họ đã và đang vất vả lao động cật lực, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra nó. Thậm chí đồng tiền thấm đẫm máu, nước mắt của bản thân và của nhiều người.

Cũng có lẽ vì hiểu rõ giá trị đồng tiền, họ đã tự nguyện từ chối để nhường cho những người khó khăn hơn. Bởi họ hiểu, đồng tiền đến đúng địa chỉ, giúp đỡ những hoàn cảnh thực sự khó khăn thì mới hữu ích và có ý nghĩa.

Và hơn hết là sự thấu hiểu, chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, của Chính phủ trong thời gian dài nỗ lực chống dịch. Chia sẻ với sự vất vả của Chính phủ nhưng hơn hết là sự đồng cảm với Chính phủ trong việc chăm lo, vì sức khỏe của người dân. Cả hành động và quyết tấm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ vì mục đích “sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu, kể cả phải hy sinh lợi ích kinh tế”.

Cũng có lẽ vì thế, người dân cả nước, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài đã dành hết tâm sức cùng Chính phủ trong cuộc chiến “chống giặc” Covid-19. Người dân trong nước nỗ lực, tận tâm, tận lực kể cả khi phải cố gắng hơn 100% sức lực. Ở đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình hình lực lượng y bác sỹ, hải quan, quân đội… tận tình hỗ trợ người ở nước ngoài về cách ly, tận tình chăm sóc bệnh nhân, kể cả khi phải “nếm mật nằm gai”, “ăn rừng ngủ núi” nhưng không hề có một lời phàn nàn, than vãn. Sự tận tâm đến nỗi chính những người về cách ly đã phải thốt lên “sự tận tụy của các anh chị đã giữ lại sự bình an trong khi tâm hồn hoảng loạn vì lo sợ bệnh dịch của chúng tôi”.

Còn kiều bào ta ở nước ngoài, kể cả những nước ở thời điểm đang là tâm dịch như Hàn Quốc, Mỹ, Anh… cũng hướng về nước, chung với nỗi lo của đất nước, san sẻ cả những vật “thiết thân” chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, máy khử khuẩn…

 Và những người nghèo - người đang rất cần sự hỗ trợ vì ảnh hưởng của dịch - đã thấu hiểu được sự vất vả của cả nước, của Chính phủ và hiểu rõ giá trị của đồng tiền nên đã tự nguyện từ chối sự hỗ trợ, để “nhường cho những người khó khăn hơn”. Họ cảm thấy day dứt khi nghĩ rằng, vẫn còn nhiều người nghèo khổ hơn, cần sự hỗ trợ hơn và đã từ chối nhận hỗ trợ. Và hơn hết, họ việc làm này đem lại điều tốt cho đất nước và cho địa phương. Đó là khi lòng tự trọng lên ngôi, tinh thần, ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.

Minh Vân