Lý giải trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 50 tái dương tính sau 2 lần âm tính

(SHTT) - Thông tin bệnh nhân Covid-19 số 50 đang điều trị tại Bệnh viện số 2 (Hạ Long, Quảng Ninh) có kết quả xét nghiệm hai lần âm tính vào ngày 26 và 28/3 rồi lại dương tính trở lại với vi rút SARS-CoV-2 vào 3 lần tiếp theo đang khiến nhiều người lo lắng.

TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng việc một người xác định âm tính sau đó lại dương tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian dài điều trị là có thể xảy ra.

Đây không phải trường hợp đầu tiên bởi cả Trung Quốc và một số nước đều đã ghi nhận trường hợp như ca bệnh số 50. Có trường hợp đào thải virus rất dài. Đó cũng là lý do vì sao những người điều trị khỏi còn phải theo dõi tiếp 14 ngày.

Về vấn đề này, các nhà chuyên môn cũng đã nghiên cứu và trước mắt đặt ra 2 giả thiết.

Thứ nhất, trong quá trình điều trị không có thuốc điều trị đích, điều trị đặc hiệu mà chỉ là cố gắng nâng cao thể trạng, nâng cao hệ miễn dịch, tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn vào cơ thể và điều trị những bệnh nền cho ổn để không phát sinh thêm bệnh nền cho người nhiễm Covid-19.

 Lý giải trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 50 tái dương tính sau 2 lần âm tính

Bên cạnh đó, loại virus này khi đi vào cơ thể nó không chỉ xâm nhập vào vùng hầu họng, phổi mà có những trường hợp virus xâm nhập cả vào máu. Khi vào máu nó có thể di chuyển vào gan, thận dẫn đến có trường hợp bị suy đa tạng. Do đó, có thể nói khi miễn dịch của cơ bệnh nhân ổn thì nồng độ của virus thấp đi kết quả âm tính khi xét nghiệm nhưng khi hệ miễn dịch kém đi một chút thì nó lại trỗi dậy nên xét nghiệm kết quả lại dương tính.

Giả thiết thứ 2 được các nhà chuyên môn đề cập tới là do xác của virus (xét nghiệm gen) tồn tại. Cụ thể, khi nồng độ của virus đã hết tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sẽ cho kết quả âm tính nhưng do cái xác còn lại đó nên có thể lần sau lấy mẫu xét nghiệm lại trúng vào nó nên kết quả lại dương tính.

Trước câu hỏi với kết quả xét nghiệm thay đổi nhiều lần như vậy liệu có phải là do qui trình xét nghiệm có vấn đề thì ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh khẳng định, đối với xét nghiệm gen như thế này tỷ lệ chính xác rất cao, gần như 100%.

PGS.TS.BS Lê Văn Đông - Cục Quân y (Học viện Quân y) cũng cho rằng người bị bệnh do mắc COVID-19 một lần đã khỏi có thể có hoặc không bị bệnh lại tùy theo từng điều kiện nhất định. Nếu virus SARS-CoV-2 tạo được miễn dịch bền vững như virus sởi hoặc quai bị thì không bị lại nhưng điều này chưa thể khẳng định được vì còn quá sớm.

Nếu miễn dịch không bền vững, trong giai đoạn đầu mới khỏi bệnh, lượng kháng thể đủ mạnh thì có thể không bị lại, nhưng đến giai đoạn sau, lượng kháng thể đặc hiệu mất dần đi thì vẫn có thể bị lại. Trong trường hợp này thì cần sử dụng vắc-xin để khôi phục lại khả năng đề kháng chống virus.

Cũng theo PGS.TS.BS Lê Văn Đông nhiều người thắc mắc "Sau khi mắc COVID-19 bao lâu thì có kháng thể?". Quá trình này cần có thời gian ít nhất là 1 tuần hoặc muộn hơn tùy theo từng người, tương tự như thời gian từ khi tiêm vắc-xin đến khi bắt đầu có kháng thể đặc hiệu.

Khoảng thời gian này thường được gọi là “giai đoạn cửa sổ” kể từ khi nhiễm mầm bệnh đến khi có thể gián tiếp phát hiện nhiễm mầm bệnh thông qua xét nghiệm tìm kháng thể mà người đó tạo ra để chống lại mầm bệnh đã nhiễm.

Hạ Vân