Chênh lệch vàng nội ngoại vẫn trên 4,8 triệu đồng

Chỉ còn 3 ngày nữa thị trường vàng miếng tự do sẽ bị xóa sổ nhưng sáng nay khoảng cách giá giữa vàng nội và ngoại vẫn còn trên 4,8 triệu đồng mỗi lượng .  

Mở cửa ngày đầu tuần, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC 46,50-46,58 triệu đồng, tăng 100.000 đồng mua vào và 60.000 đồng bán ra so với hôm cuối tuần trước.

Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết bán vàng miếng SJC 46,60 triệu đồng mỗi lượng. Giá thu mua của doanh nghiệp quanh mức 46,40 triệu đồng. Riêng giá vàng PNJ của đơn vị này mua vào, bán ra rẻ hơn SJC lần lượt 170.000 đồng và 70.000 đồng, quanh 46,23-46,53 triệu đồng.

Trên thế giới, giá vàng tại thị trường châu Á sáng nay chỉ tăng nhẹ. Tính đến 9h, giờ Hà Nội, mỗi ounce giao dịch quanh 1.660,20 USD, tăng gần 2 USD so với mở cửa, tương đương khoảng 50.000 đồng tiền Việt.

Dù chỉ còn 3 ngày nữa thị trường vàng miếng trong nước sẽ đi vào "khuôn khổ", tức người dân chỉ được mua bán tại những nơi được cấp phép. Tuy nhiên, đến giờ này, sự điều chỉnh giảm của các doanh nghiệp trong nước luôn luôn chậm hơn thế giới, còn tăng thì nhanh hơn. Sự bất cân xứng này đã kéo chênh lệch giá "nội" và "ngoại" vẫn lên mức cao.

Nếu quy đổi theo tỷ giá 20.870 đồng, mỗi lượng vàng thế giới hiện tương đương với 41,77 triệu đồng. So với giá mua bán trong nước, giá quốc tế quy đổi rẻ hơn 4,7-4,8 triệu đồng một lượng. Sự chênh lệch này duy trì khoảng thời gian khá lâu, trong lúc sức mua bán của thị trường đã chậm lại đáng kể.

Dù Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chênh lệch này không ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh đây là một mức chênh lệch bất bình thường, mà nguyên nhân cốt lõi có thể là do tình trạng "độc quyền vàng thương hiệu SJC" chứ không phải là do các tiệm vàng nhỏ lẻ "gây rối".

Trên thế giới từ trước đến nay chưa có Ngân hàng trung ương nào chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Việc quản lý này được các chuyên gia nhìn nhận là đã lẫn lộn giữa chức năng quản lý và kinh doanh. Do đó, thay vì điều tiết bằng yếu tố cung cầu, Ngân hàng Nhà nước chỉ dựa trên mệnh lệnh hành chính khiến thị trường vàng bế tắc và tạo ra khan hiếm cung cầu giả tạo. "2013 nếu cơ quan này vẫn điều hành theo mệnh lệnh hành chính mà bỏ qua yếu tố cung cầu thì chênh lệch giá trong và ngoài nước khó kéo giảm", một chuyên gia nhận định.