Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần nhiều các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

(SHTT) - Chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 4, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động trong khởi nghiệp.

 Ngày 2/12 tại Hà Nội, Báo Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia 2019 (lần thứ IV) với chủ đề Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp và học sinh, sinh viên từ các trường đại học.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh, khởi nghiệp luôn luôn là bắt đầu. Ông nhớ lại, cách đây 17 năm, lúc đó ở Việt Nam ít người nói đến khởi nghiệp. VCCI là một trong những tổ chức đầu tiên nhóm lên "ngọn lửa" khởi nghiệp tại Việt Nam khi giao cho Báo Diễn đàn DN tổ chức Festival khởi nghiệp. 

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần nhiều các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

“Ngày ấy, khởi nghiệp chưa thành từ khóa trong sự phát triển như bây giờ. Hiện tại, nhắc đến khởi nghiệp, bất kỳ ai cũng nghĩ đó là khởi nghiệp sáng tạo (KNST) chứ không còn là khởi nghiệp thông thường như trước. Khởi nghiệp đồng nghĩa với bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh sáng tạo”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cũng theo ông, "chìa khóa" của sự phát triển quốc gia ở thời điểm hiện tại nằm ở 2 cụm từ quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn vốn con người và khởi nghiệp sáng tạo. “Đây là đôi cánh của nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

“Đến nay, tuy vấn đề này còn tạo nên nhiều tranh cãi nhưng hộ kinh doanh lại đang chiếm 30% GDP của toàn nền kinh tế. Điều đáng sợ bây giờ không phải là sự lớn mạnh của các tập đoàn lớn mà là sức sáng tạo của các cá nhân kinh doanh khi mà họ đang khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Dẫn nguồn một khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu, Chủ tịch VCCI cho biết trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng.

“Như vậy, có khoảng cách giữa khát vọng, giữa ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Chúng ta cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, từ ngày 1/1/2020 Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Với ASEAN, năm 2020 là năm bản lề quan trọng, kiểm điểm giữa kỳ triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 5 năm tới. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN và đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Cộng đồng doanh nghiệp có nhiều hoạt động quan trọng trong năm nay, do đó, ông Lộc bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước trong ASEAN.

Hương Mi