Triễn lãm thư pháp 'Truyền kinh chính học' - Nơi văn hóa và nghệ thuật cổ kim cùng hòa quyện

(SHTT) - Sáng ngày 23/11/2019 tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Triển lãm thư pháp với chủ đề "Truyền kinh chính học" đã chính thức được khai mạc với sự tham gia của 100 tác phẩm. Triển lãm chính là nơi giao thoa của nghệ thuật cổ đại và đương đại mang nhiều dấu ấn.

Nằm trong không khí Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, sáng hôm nay, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Triển lãm thư pháp với chủ đề "Truyền kinh chính học".

BTC cắt băng khai mạc Triển lãm thư pháp "Truyền kinh chính học" 

Triển lãm được tổ chức với sự tham gia của 100 tác phẩm ở cả loại hình thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ đến từ các tác giả của khắp 3 miền trên đất nước, thậm chí, lần triển lãm này còn có sự tham gia của cả tác giả nước ngoài.

 
 
Một vài tác phẩm được trung bày tại "Truyền kinh chính học". 

Các tác phẩm được lựa chọn giới thiệu dựa trên cơ sở nội dung là các trước tác thơ, văn của Cụ Chu Văn An và 17 vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám - các học quan đứng đầu Quốc Tử Giám. Họ đều là các bậc sĩ phu tài cao, đức trọng, được triều đình lựa chọn từ hàng ngũ các bậc danh nho, đại thần uy tín.

Thơ, văn của họ thấm đẫm tình người, chứa chan tình yêu quê hương, đất nước, là cơ sở để các tác giả phóng tác tác phẩm thư pháp được trưng bày trong Triển lãm Thư pháp lần này.

 Màn biểu diễn thư pháp trực tiếp gây ấn tượng tại lễ khai mạc triển lãm.

Mỗi một tác phẩm đều hàm chứa cá tính, phong cách, vận vị và tài hoa riêng của từng tác giả. Đồng thời, các tác phẩm cũng là sự gửi gắm, truyền tải nội hàm con chữ đến với khách tham quan.

Ngoài các tác phẩm thư pháp, Triển lãm còn giới thiệu tới công chúng tóm tắt thân thế, sự nghiệp của Tư nghiệp Chu Văn An và 17 vị đã từng đảm nhiệm chức Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

 BTC triển lãm trao chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm trưng bày tại triển lãm thư pháp "Truyền kinh chính học"

Tham gia Triển lãm lần này có nhiều nhà thư pháp hội tụ từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, ở cả hai loại hình thư pháp, Thư pháp Hán Nôm và Thư pháp Quốc ngữ.

Chia sẻ cảm nghĩ về sự kiện lớn nhất trong năm của giới thư pháp Hà Nội, anh Ngọc Đình, Chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt UNESCO cho biết: "Đây là sự kiện Triển lãm mang ý nghĩa lớn, là sự hòa quyện giữa cổ với kim, là sự giao lưu giữa văn hóa chữ Hán Nôm cùng với văn hóa thư pháp chữ Quốc ngữ. và đây cũng là lần đầu tiên các thầy đồ ở khắp 3 miền trên đất nước được hội tụ".

 Anh Ngọc Đình, Chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt UNESCO

"Thư pháp chữ Quốc ngữ là bộ môn mới, được ra đời khoảng những năm 90 và thời gian gần đây mới bắt đầu phát triển rầm rộ, nhưng nó đã kịp thời bổ sung và học hỏi rất nhiều từ những gì có sản và sớm phát triển với sự ra đời của nhiều tác phẩm đa dạng.

Cùng với thư pháp chữ Hán Nôm và thư pháp chữ Quốc Ngữ, các tác phẩm đã tạo nên cho triển lãm không khí hoàn toàn mới khi có sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại. Đây cũng có thể coi là bước ngoặt cho phong trào hoạt động thư pháp nói chung của Việt Nam và nói riêng của Hà Nội", anh Ngọc Đình nói.

Triển lãm thư pháp 'Truyền kinh chính học' sẽ diễn ra từ ngày 23/11 đến hết ngày 23/12/2019 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Huế Nguyễn