Xuất khẩu tôm: Kỳ vọng về đích

(SHTT) - 32 doanh nghiệp (DN) Việt được áp mức thuế bằng 0 khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ. Đây là tin vui cho ngành tôm VN, vời kỳ vọng bứt tốc về đích sau nhiều tháng đầu năm tăng trưởng chậm chạp.

32 doanh nghiệp (DN) Việt được áp mức thuế bằng 0 khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ. Đây là tin vui cho ngành tôm VN, vời kỳ vọng bứt tốc về đích sau nhiều tháng đầu năm tăng trưởng chậm chạp.

6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm của VN chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018. Điều đáng nói là, EU - một trong những thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của VN cũng chỉ đạt hơn 300 triệu USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của VN giảm 2%, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Dù vãy, nhưng các DN Việt cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi xuất khẩu sang thị trường EU nhờ tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa VN - EU (EVFTA), đã được ký kết ngày 30/6/2019.

Sang tháng 7/2019, tình hình xuất khẩu tôm đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Xét riêng tháng 7, đây là lần đầu tiên trong năm xuất khẩu tôm đạt tăng trưởng dương với 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018, lần lượt đạt 77 triệu USD và 51,6 triệu USD 2018 do các nước này giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác. Đặc biệt, Ấn Độ là một quốc gia xuất khẩu tôm lớn cho 2 thị trường này bị giảm sản lượng do thời tiết xấu và dịch bệnh. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Mỹ đều tăng trưởng 2 chữ số, còn các thị trường EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương.

Tính chung, 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm VN đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018. Theo các chuyên gia, xuất khẩu tôm đã dần hồi phục trong tháng 8/2019, nhưng sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ khi mới đây ngành xuất khẩu tôm VN nhận được tin vui.

Ngày 22/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với mức thuế là 0%. Theo đó, mức thuế của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta và Công ty Cổ phần Nha Trang Seafood về 0%.

Khoảng 30 DN tôm khác của VN là bị đơn tự nguyện đã nộp đơn xin xem xét mức thuế riêng biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 1/2/2017-31/1/2018 cũng được tuyên bố hưởng thuế suất 0%. Trước đó, trong đợt công bố mức thuế sơ bộ của kỳ POR 13 hồi tháng 4, DOC cũng đưa ra thuế suất tương tự với kết luận các DN này không bán phá giá tôm vào Mỹ.

Mức thuế DOC vừa công bố chứng tỏ các DN tôm Việt trung thực trong hoạt động, khai báo số liệu kinh doanh tới DOC đầy đủ, chính xác và kịp thời. DOC xem xét thấu đáo hồ sơ được cung cấp và cũng chứng tỏ hãng luật được các DN bị đơn thuê bảo vệ đã làm việc tận tâm.

Mức thuế này là một tin vui chung cho ngành tôm VN, động lực tốt để các DN tôm VN tiếp tục việc kinh doanh của mình, cơ hội cải thiện cơ cấu thị trường tôm. Theo các chuyên gia, tới đây, tôm bán vào Mỹ chắc chắn sẽ tăng trưởng. Thêm vào đó là hiện nay, nhu cầu thị trường tôm đang trở nên sôi động hơn, dự báo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Với việc khai thác các lợi thế từ FTA thế hệ mới, xuất khẩu tôm được kỳ vọng sẽ phục hồi trong thời gian tới. Đó là chưa kể VN đang có thêm thị trường Nga đầy tiềm năng.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, Nga đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ Argentina, Ecuador, VN và Bangladesh, trong khi giảm nhập khẩu từ Ấn Độ. Theo đó, VN là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 6 cho Nga, nhưng thị phần tôm VN trong tổng nhập khẩu của Nga vẫn thấp. Thống kê cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp đã quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nga trong các tháng đầu năm 2019, nhưng vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, nhất là khi tôm Việt Nam được giảm thuế theo FTA VN - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).

 

Theo cam kết của EAEU, các sản phẩm tôm đã được giảm từ mức thuế cơ sở 10% về 0% ngay khi FTA VN-EAEU có hiệu lực. Các sản phẩm tôm đã chế biến hoặc bảo quản được giảm từ mức thuế cơ sở 20% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Như vậy, các sản phẩm tôm chính của VN xuất khẩu sang Nga đều được miễn thuế sau khi FTA VN-EAEU có hiệu lực.

Nhưng cho đến nay, thị phần tôm VN trong tổng nhập khẩu của Nga vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy, trong thời gian qua, các DN xuất khẩu tôm VN vẫn tập trung khai thác những thị trường truyền thống hấp dẫn như Mỹ và EU mà chưa đánh giá cao tiềm năng tiêu thụ tại Đông Âu, nhiều DN chưa thực sự quan tâm khai thác thị trường Nga.

Hiện nay, FTA VN-EAEU đã có hiệu lực và tạo ra những ưu đãi cho xuất khẩu tôm VN sang Nga, trong khi các đối thủ cạnh tranh trên thị trường Nga của VN như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan, Bangladesh… chưa có FTA với EAEU. Do vậy, các chuyên gia khuyên rằng, DN xuất khẩu tôm VN cần tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của DNvà sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của thị trường Nga. Bởi đây là thị trường rất tiềm năng.

Hiện nay, thị trường Mỹ đã mở rộng cửa đón tôm VN, tuy nhiên, các chuyên cũng lưu ý dù có lợi thế, sắp tới các DN tôm nên duy trì nhịp độ tăng trưởng vừa phải ở thị trường Mỹ nhằm tránh tình huống bất lợi trong tương lai do hệ quả từ thương chiến Trung - Mỹ. Theo đó, cùng với việc tận dụng các lợi thế từ các FTA thế hệ mới, các chuyên gia trong ngành khuyến cáo, các DN nên chủ động tiếp cận thông tin về các FTA để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của DN. Cùng với đó, phải thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường nhập khẩu; Việc xây dựng thương hiệu cho tôm VN cần được các DN đặc biệt chú ý; Cần đảm bảo về thời gian giao hàng, chất lượng, mẫu mã của sản phẩm.

Các chuyên gia cũng hy vọng, trong bối cảnh VN đã và đang ký kết nhiều FTA và chuẩn bị đi vào thực thi, hàng rào thuế quan giảm mạnh. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp xuất khẩu tôm có thể phục hồi những tháng cuối năm.

Trâm Anh