Ấn tượng dệt may của Việt Nam

(SHTT) - Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng ước đạt 21,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, Bộ Công thương cho biết.

Cụ thể, tính chung 8 tháng đầu năm 2019, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 412,8 triệu m2, tăng 10,5%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 786,8 triệu m2, tăng 9,9%; quần áo mặc thường ước đạt 3.359,5 triệu cái, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng ước đạt 21,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp dệt may trong nước đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Bộ Công thương cho hay, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nên ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu.

Hiện tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không được khả quan so với năm 2018. Theo đó, một số doanh nghiệp các đơn hàng mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng. Trong khi đó, mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng.

Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thì thời điểm năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng.

Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị “chia nhỏ” thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.

Nhìn chung, 8 tháng đầu năm 2019, sản xuất và xuất khẩu dệt may đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên do các đơn hàng liên tục thay đổi, nên các doanh nghiệp cần phải có nhiều biện pháp nhằm thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình.

7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam có 4 ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Đó là điện thoại và linh kiện 27,3 tỷ; điện tử, máy tính và linh kiện 18,6 tỷ USD; hàng dệt may 18,3 tỷ USD; giày dép đạt 10,4 tỷ USD. Qua đây, có thể nói, ngành dệt may là ngành mang lại nhiều ấn tượng trong bứt phá xuất khẩu, nhất là trong thời gian tới vào thị trường EU.

Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của VN, đóng góp tới 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm 12%. Với hơn 7.000 nhà máy trên toàn quốc và sử dụng gần 3 triệu lao động, ngành này không chỉ quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội.

Tuy nhiên, với thế mạnh là ngành mang lại doanh thu lớn, xuất khẩu nhiều, nhưng cho tới nay VN vẫn chưa thu hút được các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng lớn, mà chủ yếu dừng ở nhập khẩu nguyên vật liệu và gia công xuất khẩu. Ngoài ra, hiện nay VN đang chứng kiến một sự dịch chuyển lớn của các DN dệt may từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông sang VN. Làn sóng dịch chuyển tự nhiên này vừa là cơ hội vừa là thách thức cho ngành dệt may.

Với ngành dệt may, EU là thị trường lớn thứ 2, có mức tăng trưởng hằng năm 7%-10%, chỉ đứng sau Mỹ. Năm 2018, dệt may VN đã xuất khẩu hơn 4 tỷ USD sang thị trường EU. Việc VN và Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Khi đó, hàng dệt may xuất khẩu của VN sang thị trường này thuế sẽ giảm dần về 0%.

 

DN dệt may TPHCM làm gì để tận dụng tốt cơ hội này? Đây là câu hỏi đặt ra cho các DN ngành dệt may TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Theo các chuyên gia, để DN tận dụng tốt cơ hội này, trước hết DN phải nắm rõ nội dung của EVFTA, từ quy tắc xuất xứ hàng hóa, lộ trình cắt giảm thuế từng mặt hàng và nhất là hàng rào phi thuế quan của từng nước.

Theo Hiệp hội Dệt may VN (VITAS), EVFTA mang lại tiềm năng xuất khẩu sản phẩm may mặc với giá trị trên 100 tỷ USD mỗi năm. Hiện thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực thì thuế suất sẽ giảm dần về 0% trong vòng 7 năm. Vì thế ngành này kỳ vọng, năm 2019 VN sẽ xuất khẩu ngành hàng dệt may cán mốc 40 tỷ USD khi có EVFTA.

Để chủ động bứt phá trong xuất khẩu, luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM đề nghị: “Về hàng rào kỹ thuật như thế nào, thủ tục nhập hàng vào các nước này ra sao để đưa hàng vào thị trường Châu Âu nhanh thì tham tán tại các nước và Bộ Công thương phải hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải có cơ chế hỗ trợ DN như có xung đột pháp luật như kiện bán chống phá giá”.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM cho rằng, yêu cầu nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hoá với sản phẩm may mặc nhập vào châu Âu có thể làm giảm các lợi ích đối với VN, vì phần lớn các nguyên liệu chính đều được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Hiện chỉ có các DN có quy mô sản xuất lớn và DN FDI có khả năng đáp ứng được tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu tuân thủ quy tắc xuất xứ của hiệp định. Do vậy, VN cần nhận thức rằng là phải xây dựng một ngành công nghiệp dệt may nội địa (mang ý nghĩa giảm các thành tố nhập khẩu) để có thể tận dụng được hết những lợi ích này. Và, trong lúc chưa có ngành công nghiệp dệt may nội địa, thì DN vừa và nhỏ phải hình thành liên kết chuỗi cung ứng để giảm việc nhập khẩu vải, đảm bảo nguyên tắc xuất xứ.

Để hỗ trợ DN nắm rõ và vận dụng tốt EVFTA, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung Hội nhập Quốc tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ các hiệp hội có những lớp tập huấn rất chuyên sâu, riêng biệt của từng ngành hàng. Chẳng hạn như dệt may, xuất xứ như thế nào khi đi vào EVFTA. Một mặt làm theo ngành, một mặt sẽ làm từng thị trường và phân tích sâu để DN dễ tiếp cận thị trường đó, phân tích hàng rào phi thuế quan của từng thị trường.

Hiện nay, những DN dệt may lớn của TPHCM như Việt Tiến, Gia Định, Phong Phú, Nhà Bè…đều tăng trưởng đơn hàng rõ rệt khi có EVFTA. Theo đó, nhiều DN đã lên kế hoạch liên kết các chuỗi cung ứng trong nước để sản xuất từ sợi trở đi, để tận dụng các lợi thế trong hiệp định, nhất là chứng minh quy tắc xuất xứ.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Dệt may VN, dù đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, nhưng ngành dệt may đang phải đối mặt với không ít áp lực. Tổng cầu của thị trường dệt may thế giới vẫn dao động ở mức 700 tỷ USD/năm trong 5 năm qua. Trong khi đó các quốc gia sản xuất hàng dệt may trên thế giới liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút đơn hàng dẫn đến cạnh tranh trong ngành dệt may ngày càng khốc liệt.

Do vậy, để được hưởng những lợi ích từ hiệp định này, khó khăn mà DN dệt may VN phải vượt qua không hề nhỏ. Với năng lực, trình độ may hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề lớn của DN dệt may VN. Tuy nhiên, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt, nhuộm vải là thách thức không nhỏ.

 Huy Thục