Kết nối đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với khoa học và nghiên cứu

(SHTT) - PGS.TS Bùi Đức Thọ nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ không phải là những lĩnh vực hoàn toàn tách rời. Nếu những lĩnh vực này có sự gắn kết thì thành công của các ý tưởng khởi nghiệp sẽ tăng lên và các kết quả nghiên cứu sớm được ứng dụng trong thực tiễn.

Mới đây, Đại sứ quán Australia đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo với chủ đề “Kết nối đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với khoa học và nghiên cứu."

Đây là một trong những hoạt động của Tuần lễ Kỹ năng và Đổi mới sáng tạo do Đại sứ quán Australia tổ chức để các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp của Việt Nam chia sẻ những khó khăn trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đồng thời tìm hiểu và lắng nghe các kinh nghiệm từ Australia trong việc phát triển kinh tế-xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo.

 Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, nhằm góp phần thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam, thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thành lập Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo với nhiều hoạt động thiết thực, có mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, trường cũng thành lập ngành học về phát triển khởi nghiệp và kinh doanh. Các hoạt động nghiên cứu được nhà trường quan tâm đầu tư với kết quả đáng khích lệ. Các yếu tố đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ nếu có sự gắn kết thì thành công của các ý tưởng khởi nghiệp sẽ tăng lên và các kết quả nghiên cứu sớm được ứng dụng trong thực tiễn.

PGS.TS Bùi Đức Thọ nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ không phải là những lĩnh vực hoàn toàn tách rời. Nếu những lĩnh vực này có sự gắn kết thì thành công của các ý tưởng khởi nghiệp sẽ tăng lên và các kết quả nghiên cứu sớm được ứng dụng trong thực tiễn.

Một số ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có sự gắn kết với nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi triển khai đã đạt hiệu quả cao. Điều này chứng minh sự liên kết hợp tác giữa các trường với nhau và giữa các trường với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu sẽ mang lại thành công.

Bà Joanna Wood, Tham tán giáo dục Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng Australia và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài, sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Hiện nay, các thành tựu của nghiên cứu khoa học trên thế giới đã đóng góp 40% vào GDP toàn cầu, do vậy hai nước cần thay đổi phương thức hợp tác để xây dựng nền văn hóa đổi mới sáng tạo.

Việc hợp tác không chỉ dừng lại giữa hai Chính phủ mà cần sự gắn kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo của hai nước để cùng phát triển dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ. Tại hội thảo lần này, Đại sứ quán Australia đã kết nối với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Canberra (Australia) để chia sẻ với Việt Nam về mô hình triển khai thành công tại Canberra cũng như trao đổi ý tưởng, cách thức liên kết giữa nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi cách các cơ sở giáo dục hợp tác để liên kết nghiên cứu với đổi mới sáng tạo và tạo ra một môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp. Trong phiên thảo luận về “Văn hóa đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, đại diện từ các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ cũng đã thảo luận về vai trò của họ đối với việc tạo ra một nền văn hóa đổi mới để hỗ trợ các doanh nhân “thay đổi thế giới”.

Diễn ra từ ngày 8 đến 11-10, Tuần lễ Kỹ năng và Đổi mới sáng tạo sẽ là dịp để các bên liên quan từ các bộ ngành, các viện trường, các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp của Việt Nam chia sẻ những khó khăn thách thức trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – chìa khóa cho tăng trưởng bền vững tại Việt Nam; cũng như tìm hiểu và lắng nghe các kinh nghiệm từ Australia trong việc phát triển kinh tế xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo.

Minh Châu