Ngày 10/8: Trái Đất bị đe dọa do thiên thạch đường kính gần 600 mét ghé thăm

(SHTT) - Ngày 10/8 tới đây, một thiên thạch có kích thước tương đương với một tòa nhà 100 tầng sẽ ghé ngang Trái Đất gây đe dọa cho an toàn của hành tinh địa cầu...

Theo trang tin Space.com, ngày 10/8 này, tiểu hành tinh mang tên 2006 QQ23 sẽ sượt ngang Trái Đất ở khoảng cách 7,4 triệu km, tốc độ 16.740 km/h.

Với đường kính khoảng 570m, tiểu hành tinh nói trên có kích thước tương đương với 1 toà nhà chọc trời cao hơn 100 tầng và được các nhà nghiên cứu của Nasa liệt vào danh sách gây nguy hiểm cho an toàn của Trái Đất.

Được biết hàng năm, có khoảng 6 vật thể không gian với kính cỡ tương đương sượt qua Trái Đất

 

Mặc dù tỷ lệ một tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất của chúng ta là rất thấp nhưng NASA vẫn luôn ở trạng thái sẵn sàng cho mọi tình huống. Năm ngoái, cơ quan này đã công bố kế hoạch của họ trong việc phát hiện cũng như làm chệnh hướng thảm họa khi nó có nguy cơ xảy ra.

Trong vòng 1 thập kỷ tới, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ dự định sẽ thiết kế và thử nghiệm nhiều phương án nhằm phá hủy hoặc làm chệnh hướng một thiên thạch khi nó lao về phía địa cầu.

Có tổng cộng 3 phương án có thể được dùng tới tùy thuộc vào kích thước của tiểu hành tinh và thời gian mà chúng ta có kể từ lúc phát hiện cho đến khi va chạm xảy ra.

 

Kỹ thuật đầu tiên được gọi là “máy kéo trọng lực” - một con tàu vũ trụ cỡ lớn tiếp cận thiên thạch đủ gần để lực hấp dẫn của nó có thể kéo tiểu hành tinh này ra khỏi quỹ đạo ban đầu.

Phương án thứ 2 được gọi là “va chạm động lực”, nghĩa là dùng một tàu vũ trụ để đâm trực tiếp vào thiên thạch nhằm thay đổi tốc độ và quỹ đạo của nó. Dự kiến giải pháp này sẽ được NASA thử nghiệm vào giữa năm 2021.

Phương án cuối cùng là dùng thiết bị hạt nhân để làm chệnh hướng hoặc bắn tiểu hành tinh ra thành từng mảnh nhỏ, đủ để nó bốc cháy khi xâm nhập vào bầu khí quyển Trái Đất.

Được biết, NASA hiện đang hợp tác với Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp Hoa Kỳ để chuẩn bị các phương án ứng phó cho tình huống khẩn cấp khi một thiên thạch được dự báo có nguy cơ đâm vào hành tinh chúng ta.

Hy An