Apple có thể sử dụng thủy tinh hoặc sứ để thay thế phím nhựa cho Macbook thế hệ kế tiếp

(SHTT) - Những thống tin mới nhất về thiết kế bàn phím dành cho thế hệ MacBook mới do Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) cung cấp cho thấy, rất có thể, trong tương lai, thủy tinh và sứ sẽ là chất liệu thay thế các phím nhựa hiện nay.

USPTO gần đây đã tiết lộ thêm một số tài liệu mới liên quan đến thiết kế bàn phím dành cho thế hệ MacBook mới của Apple. Dựa theo những bản vẽ, có thể thấy bàn phím của MacBook mới sẽ có cơ chế gần giống như bàn phím trên MacBook Pro và MacBook Air trước khi bàn phím butterfly ra mắt vào năm 2015.

 

Được biết, từ đầu năm tới nay, Apple đã xin cấp phép cho 2 thiết kế bàn phím mới cho Macbook. Đầu tiên là đơn đăng ký sáng chế “Keycap có độ dày thấp” đã được gửi lên USPTO từ ngày 22/02. Đến ngày 14/03, đơn đăng ký sáng chế thứ hai “Cơ chế bàn phím có đèn nền hành trình thấp” cũng được gửi lên USPTO.

Cả hai bằng sáng chế này đều cho thấy Apple đang cố gắng nâng cao khả năng phát sáng của phím, nhưng vẫn giữ nguyên những ưu điểm về độ bền, tính linh hoạt và độ mỏng luôn là niềm tự hào trong thiết kế Macbook của hãng này.

Trong phần tài liệu liên quan tới các thiết kế mới, Apple cho biết trong vòng đời của mỗi chiếc Macbook, các phím phải chịu “hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt bấm trong quá trình vòng đời của sản phẩm được sử dụng. Đó là lý do “cần phải có một bàn phím vừa đẹp về mặt thẩm mỹ nhưng vẫn phải đảm bảo độ bền bỉ”.

Để giải quyết được vấn đề này, Apple cố gắng thay keycap nhựa như trên thế hệ MacBook hiện tại và thay bằng kính thủy tinh, nhưng không thấy đề cập loại kính nào. Apple cho biết “trong một số trường hợp, bề mặt keycap có thể dùng sapphire, hoặc sứ, hoặc một chất liệu chống trầy xước khác” và loại bỏ hoàn toàn phím nhựa trong tương lai. 

 

Trong khi đó bằng sáng chế thứ 2 của Apple thì liên quan tới cơ chế hoạt động của bàn phím, qua đó cho phép bàn phím trên MacBook mỏng hơn nhưng có đèn backlit sáng hơn so với phiên bản hiện tại.

“Trong nhiều trường hợp, bàn phím hiện tại sở hữu nhiều cơ chế cơ học và cả mạch điện tử để giúp phát sáng cho từng phím, nhưng từ đó khiến độ dày bị đẩy lên theo cách các hãng không mong muốn”, tài liệu của Apple cho biết.

Và để giải bài toán này, Apple sẽ tạo ra một hệ thống bàn phím mớiđảm bảo sao cho hệ thống mạch điện chiếu sáng các phím không gây ảnh hưởng đến độ dày của bàn phím.

Về cơ bản, Apple sẽ tạo ra một lựa chọn thay thế cho bàn phím cánh bướm được sử dụng từ năm 2015 cho tới nay. Thiết kế này đã khiến Apple chịu không ít tổn thất kinh tế khi liên tục phải tiến hành sửa chữa, vá lỗi và triển khai các đợt bảo hành miễn phí cho khách hàng.

Hy An