Phát triển thành công phương pháp tận dụng nọc độc cá nóc làm thuốc gây tê

(SHTT) - Viện nhi Boston mới đây đã tìm ra biện pháp ức chế chất độc mạnh nhất trên thế giới có tên Tetrodoxin thường thấy trong loài cá nóc, thậm chí còn có thể tận dụng chất này để làm thuốc mê.

Trong nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện nhi Boston, họ đã thử nghiệm 1 giải pháp kiểm soát sự lây lan của độc tố Tetrodoxin, đồng thời tìm ra giải pháp khai thác chất độc này nhằm ứng dụng nó trong việc gây tê cục bộ.

 

Tetrodotoxin được coi là chất độc mạnh nhất thế giới là nhờ vào khả năng gây tê liệt vô cùng hiệu quả. Đây cũng là yếu tố chính thu hút các nhà khoa học tìm cách khai thác nó nhằm cho ra đời những loại thuốc giảm đau hoặc thuốc gây mê.

Thách thức được các nhà khoa học đặt ra đó là: làm sao để đưa nó một cách an toàn đến một nơi cụ thể trong cơ thể, ở một hàm lượng được kiểm soát. Để giải quyết vấn đề trên, các nhà khoa học đã dùng đến 1 loại polymer có khả năng phân huỷ sinh học làm vỏ bọc, giúp đưa độc tố vào cơ thể và giải phóng Tetrodotoxin từ từ.

 

Kết hợp với 1 hoá chất giúp Tetrodotoxin ngấm vào các mô thần kinh, các nhà khoa học đã thành công trong việc gây tê liệt dây thần kinh của những con chuột trong khoảng vài tiếng đến 3 ngày, tuỳ thuộc vào lượng polymer được sử dụng.

 

Theo các thành viên của nhóm nghiên cứu, nếu thành công trong thử nghiệm lâm sàng, chất độc chết người này sẽ trở thành chất gây tê hữu ích phục vụ cho các bệnh nhân đang điều trị ung thư, giúp họ vượt qua đau đớn hoặc các ca phẫu thuật kéo dài.

Lâm An