Phản hồi về bài “Trường Đại học Kinh doanh Hà Nội (HUBT): Thông tin ảo nhưng nguy cơ mất tiền thật?”

(SHTT) - Đặt vấn đề về những góc khuất trong hoạt động liên kết đào tạo, vừa qua, tòa soạn nhận được phản hồi của đại diện Trường Bồi dưỡng cán bộ DN.

Trong bài viết “Trường Đại học Kinh doanh Hà Nội (HUBT): Thông tin ảo nhưng nguy cơ mất tiền thật?”, Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo đã đặt vấn đề về những “góc khuất” trong hoạt động liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (gọi tắt là Trường ĐH Kinh doanh Hà Nội) và Trường Bồi dưỡng Cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (gọi tắt là Trường Bồi dưỡng cán bộ DN). Mới đây, Tòa soạn nhận được phản hồi từ phía Trường Bồi dưỡng cán bộ DN.

Người đàn ông tự xưng là Phạm Khắc Hải, chức vụ Chủ tịch HĐQT của Trường Bồi dưỡng cán bộ DN cho biết, thông báo có đóng dấu treo của Trường Bồi dưỡng Cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Thông báo có số 136/TB-BDCB, ban hành ngày 15/5/2019 về việc tập trung ngành chăm sóc sức khỏe) đã được Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo phản ánh là văn bản do phía Nhà trường ban hành.

 Phạm Khắc Hải, Chủ tịch HĐQT của Trường Bồi dưỡng cán bộ DN trao đổi với PV.

Theo ông Hải, việc ban hành thông báo đó là để (Nhà trường – pv) thực hiện thông báo tuyển sinh của trường Đại học Kinh doanh Hà Nội cho lớp chuyển đổi từ Y sĩ Đa khoa sang Y sĩ Nha khoa. Ông Hải xác nhận, trường Bồi dưỡng cán bộ DN không có chức năng đào tạo, nhưng nhà trường có 1 văn bản hợp tác toàn diện với trường ĐH Kinh doanh Hà Nội, trong đó có nội dung tuyển sinh, nên phía trường thực hiện việc tuyển sinh.

Kèm theo giải trình của mình, ông Hải cung cấp cho tòa soạn văn bản có tên là “Hợp đồng liên kết đặt trạm đào tạo từ xa” (Hợp đồng số 0007/2018/HĐ-ĐTTX). Bản hợp đồng được ký ngày 21/3/2018 tại Trường ĐH kinh doanh Hà Nội, giữa đại diện trường này là ông Hà Đức Trụ (Phó Hiệu trưởng) với đại diện Trường Bồi dưỡng cán bộ DN là ông Phạm Khắc Hải – chức danh Chủ tịch HĐQT.

Theo hợp đồng, hai bên thực hiện liên kết trong công tác đào tạo từ xa đối với tất cả các ngành bên Đại học Kinh doanh Hà Nội được phép đào tạo. Một trong những nhiệm vụ của bên phía Trường Bồi dưỡng cán bộ QLDN là “Đảm bảo cơ sở vật chất để tổ chức đào tạo bao gồm: Đội ngũ cán bộ quản lý và phục vụ, phòng học đủ tiêu chuẩn, thư viện và thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của giảng viên và sinh viên”.

Cũng theo văn bản này, tỉ lệ học phí được trích lại cho bên Trường Bồi dưỡng cán bộ QLDN là 30% tổng kinh phí thu được của lớp học đặt tại trường (này).

Trước đó, ngày 21/5, PV Sở hữu trí tuệ đã có buổi làm việc với đại diện Trường ĐH Kinh doanh Hà Nội là PGS.TS. Phạm Dương Châu – Phó Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt trường ĐH Kinh doanh Hà Nội.

 PGS.TS. Phạm Dương Châu – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt – Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Châu khẳng định, Trường ĐH Kinh doanh Hà Nội không có liên quan tới nội dung thông báo nêu trên (Thông báo số 136/TB-BDCB – Pv). Điều đáng nói là, ông Châu khẳng định phía trường ĐH Kinh doanh Hà Nội không có bất kỳ thỏa thuận nào với Trường Bồi dưỡng cán bộ. Vị đại diện nhà trường nhấn mạnh, “Thông báo đó là lừa đảo”.

Theo quy định hiện hành, việc liên kết đào tạo cần phải tuân thủ những điều kiện chặt chẽ. Theo Thông tư số 07 của Bộ GD&ĐT về liên kết đào tạo bậc đại học thì đối tượng tham gia liên kết đào tạo là Cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo, cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo là cơ sở giáo dục đại học; Cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo gồm: cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trường của cơ quan nhà nước; trường của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trường của lực lượng vũ trang nhân dân; trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Như vậy, Trường bồi dưỡng cán bộ Doanh nghiệp có thuộc đối tượng tham gia liên kết đào tạo không? Và, nếu Trường bồi dưỡng cán bộ Doanh nghiệp chỉ có cơ sở đi thuê, nhân lực phục vụ mục đích bồi dưỡng nghiệp vụ còn thiếu, liệu trường này có đáp ứng được điều kiện liên kết đào tạo không? Hay chỉ là đào tạo kiểu ba không? (không trường lớp, không chức năng, không có nhân lực).

 

Chưa biết bản Hợp đồng số 0007/2018/HĐ-ĐTTX được phía Trường Bồi dưỡng cán bộ DN cung cấp là thật hay giả, nội dung có vi phạm pháp luật hay không, cũng như hãy khoan tìm câu trả lời về năng lực thực tế của Trường Bồi dưỡng cán bộ DN, nhưng với những gì xảy ra vừa qua khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc có hay không sự mất kiểm soát trong quản lý hoạt động đào tạo của Trường ĐH kinh doanh Hà Nội (?), và liệu chăng trên thực tế đã có chưa việc hai trường này tổ chức đào tạo từ xa cả ngành chăm sóc sức khỏe?

Chúng tôi sẽ tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.

Phạm Tài