Mua nhầm phần mềm bảo mật Kaspersky giả giao bán trên mạng: Khách hàng

(SHTT) - Việc mua nhầm phần mềm bảo mật Kaspersky giả trên mạng có thể khiến người tiêu dùng gặp các nguy cơ bảo mật như mất dữ liệu trên máy tính, bị đánh cắp thông tin giao dịch ngân hàng trực tuyến, tài khoản mạng xã hội...

Vietnamnet đưa tin, hàng loạt cửa hàng ảo trên các mạng trực tuyến như Sendo, Tiki và Lazada… đang rao bán mã thẻ bản quyền phần mềm bảo mật, đặc biệt tập trung vào phần mềm Kaspersky với "giá sốc" chỉ bằng 50% so với giá niêm yết của nhà phân phối.

Nhiều người dùng tưởng đây là chương trình khuyến mãi của nhà phân phối hay từ nhà bán lẻ vì hình ảnh và thông tin "trông rất thật".

Để tránh mua phải hàng giả rao bán với giá rẻ, người dùng cần phân biệt: Thẻ giả có mặt trước và mặt sau trông giống với 1 namecard bình thường, chỉ cần lật mặt sau và cào phần giấy bạc thì có thể lấy được mã (key).

Thẻ thật có kích thước lớn hơn, và phải xé bỏ phần giấy theo đường răng cưa trên thẻ, sau đó mở ra cào phần giấy bạc thì mới lấy được mã (key).

Bản quyền Kaspersky lậu được rao bán trên một chợ điện tử

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn (NTS Security) - nhà phân phối độc quyền sản phẩm Kaspersky Lab tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã rà soát những shop trực tuyến bán hàng giả mạo để báo với các mạng bán lẻ, tuy nhiên việc liên hệ các bên này khá nhiêu khê trong khi càng chậm trễ thì người tiêu dùng Việt càng đối mặt với rất nhiều nguy cơ an toàn thông tin. Liên hệ dẹp được shop này thì shop giả khác lại mọc ra như nấm. Do đó, chúng tôi mong muốn các chợ trực tuyến hay mạng bán lẻ có kênh thông báo hàng giả hiệu quả hơn, cũng như chọn lọc đúng nhà phân phối chính thức, tránh tình trạng thiếu kiểm soát để hàng giả tràn lan như hiện nay".

Thật vậy! Tiết kiệm được 50% so với giá bán nhưng người tiêu dùng đưa máy tính hay thiết bị của mình gặp ngay nhiều nguy cơ. Trường hợp đầu tiên liên quan vi phạm bản quyền, mã bản quyền “lậu” rao bán vẫn kích hoạt được nhưng là bản không thể dùng chung nhiều máy tính (chỉ cho 1 PC) nhưng được bán chung cho nhiều người, điều này khiến mã bản quyền đó có thể bị hệ thống của Kaspersky nhận diện, chặn và khoá bất cứ lúc nào khiến PC không còn nhận được sự bảo vệ thích hợp theo chính sách và những dịch vụ chăm sóc chính hãng. Nạn nhân mất tiền oan với hàng giả Kaspersky, không nhận được hỗ trợ từ nhà phân phối chính hãng.

Kế đến, đối với mã bản quyền và sản phẩm giả mạo, người tiêu dùng nhận được mã trung gian để liên hệ nhận mã bản quyền, hoặc nhận được đĩa DVD hay liên kết (link) tải bản cài đặt phần mềm kèm mã kích hoạt bản quyền, tuy nhiên đây lại là phần mềm giả được nhúng mã độc nên hoàn toàn phơi mình trước nguy cơ bảo mật như mất dữ liệu trên PC, bị đánh cắp thông tin giao dịch ngân hàng trực tuyến, tài khoản mạng xã hội cùng nhiều vấn đề khác dẫn đến hậu quả rất nặng nề.

Hoàng Oanh