Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới cơ thể con người

(SHTT) - Giới khoa học đang đếm ngược từng ngày, từng giờ để cho thử nghiệm một trong những giải pháp táo bạo nhất nhằm giải quyết vấn đề về ô nhiễm không khí. Tuy nhiên chúng ta cũng cần có những hiểu biết nhất định về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe để có thể tự phòng tránh.

 

Từ thứ hai tới, hàng ngàn tài xế ở Luân Đôn sẽ phải trả một khoản phí mới được áp dụng để lái xe vào trung tâm thành phố.

Mục đích của việc này là để phát hiện các phương tiện xả nhiều khí thải nhất, trong một nỗ lực ngăn chặn các loại bệnh và tử vong sớm từ ô nhiễm không khí.

Sáng kiến này được đưa ra khi các nhà khoa học cho rằng tác động của ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ trước đây. Thị trưởng Luân Đôn, Sadiq Khan, nói với BBC rằng mối đe dọa ô nhiễm không khí, mà hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường, là "nguy cơ khẩn cấp cho sức khỏe cộng đồng".

Ông nói thêm: "Điều khiến tôi lo lắng là việc do mắt thường không thể nhìn thấy chất gây ô nhiễm chính, nitơ dioxide, dễ tạo cho mọi người tâm lý chủ quan". Tuy nhiên điều đáng mừng là trong vài thập kỷ qua, nghiên cứu khoa học đã làm sáng tỏ cơ chế mà các loại khí như nitơ dioxide và các hạt nhỏ xâm nhập sâu và gây ra tổn hại lâu dài tới cơ thể.

Hen suyễn

 

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hơi thở của con người thấy rõ - ví dụ, bất kỳ ai mắc bệnh hen suyễn đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi tiếp xúc với không khí bẩn, bởi các chất gây ô nhiễm có thể gây ra các vấn đề mãn tính.

"Cháu từng bị mất ngủ vì không thể thở do xung quanh toàn khí nhiễm bẩn", bé Alfie, 10 tuổi, kể. "Cháu không ngủ được làm cho mẹ cháu cũng phải thức theo". Không khí ô nhiễm là kẻ thù của lá phổi, thậm chí là kẻ thù của bộ não, có thể gây tổn thương gần như mọi cơ quan trong cơ thể", cậu nói.

Là một học sinh tại Trường tiểu học Haimo ở Eltham, gần khu phố phía Nam sầm uất của London, Alfie là một trong 300 trẻ em trên toàn thủ đô tham gia vào nghiên cứu độc đáo này.

Dự án triển khia bằng việc cho mỗi đứa trẻ đeo một chiếc ba lô có chức năng theo dõi không khí đặc biệt, được trang bị các dụng cụ để đo nitơ dioxide và các hạt nhỏ nhất, được gọi là PM2,5.

Động lực để tiến hành dự án đến từ thực tế rằng hít thở không khí bẩn ngay từ khi còn nhỏ có thể kéo theo nhiều ảnh hưởng xấu suốt đời. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em lớn lên ở những con đường bị ô nhiễm nặng có dung tích phổi nhỏ hơn so với những trẻ ở khu vực sạch hơn - trung bình khoảng 5%.

Những thách thức lớn hơn

Ô nhiễm không khí cũng là căn nguyên làm trầm trọng thêm những bệnh về đường hô hấp khác, bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính, kể cả ung thư phổi. Tiến sĩ Ben Barrett thuộc Học viện King (London), người đang chỉ đạo nghiên cứu về ba lô theo dõi không khí, nói rằng trẻ em sinh ra trong môi trường ô nhiễm hơn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong cuộc sống. "Những gì bọn trẻ đang đối mặt không chỉ là một căn bệnh, mà nghiêm trọng hơn là khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ kém đi trước những bệnh khác khi bước vào tuổi thiếu niên hay khi về già."

 

Một khả năng gây hại khác là khi các hạt nhỏ nhất tìm đường vào sâu trong phổi, đến phế nang, từ đó theo oxy truyền vào máu. Người ta đã xác định rằng các hạt PM2.5 đủ nhỏ để thực hiện quá trình chuyển đổi đó, đi vào hệ thống tim mạch và lưu thông khắp cơ thể. Đưa đến rủi ro bao gồm khả năng làm tắc động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy các hạt chất bẩn này có thể di chuyển lên não, vậy nên các nhà khoa học đang nghiên cứu các tác động tiềm tàng của khí thải đối với các tình trạng như chứng mất trí.

Nguyên Mừng