Thị trường đồng hồ tại Việt Nam có tới 80-90% là hàng giả

(SHTT) - Gần đây nhất phải kể đến vụ việc lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ 3.240 chiếc đồng là hàng nhái các dòng cao cấp của Thuỵ Sỹ như Rolex, Hublot, Tag Heuer, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Omega, Rado, Longines, Tissot, Cartier, Montblanc, Chopard, Chanel, Burberry…

 Thông tin trên tờ VTV, theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống hàng giả hàng nhái, thị trường đồng hồ tại Việt Nam có tới 80-90% là hàng giả. Trên thực tế, nhiều người không còn xa lạ với những chiếc đồng hồ giả các thương hiệu nổi tiếng bán đầy ngoài chợ hay các shop online. Những chiếc đồng hồ này có mức giá chỉ vài trăm ngàn, giá trị rất nhỏ so với một chiếc đồng hồ chính hãng cùng loại. 

 Thị trường đồng hồ tại Việt Nam có tới 80-90% là hàng giả. Ảnh minh họa: Internet 

Liên quan đến việc bày bán đồng hồ giả tại Việt Nam, trong 2 ngày 15 và 16/3, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra đột xuất tại 5 cửa hàng thuộc địa bàn TP Nha Trang - Khánh Hoà và thu giữ khoảng 3.240 chiếc đồng hồ được cho là nhái các thương hiệu nổi tiếng cao cấp trên thế giới. Trong đó, có hàng nhái các dòng cao cấp của Thuỵ Sỹ như Rolex, Hublot, Tag Heuer, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Omega, Rado, Longines, Tissot, Cartier, Montblanc, Chopard, Chanel, Burberry…

Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cửa hàng không xuất trình được các loại giấy tờ và cũng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Đại diện Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ (FH) ở Việt Nam xác nhận trên báo Dân Trí, số lượng hơn 3.000 chiếc đồng hồ kể trên được thu giữ là hàng nhái, hàng giả. Với 5 cửa hàng bán lẻ và bày bán công khai, số lượng hàng nhái thu được như vậy là rất khủng và rất đáng lo ngại.

Cũng theo vị đại diện này, do tuân thủ một tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt, nên mỗi chiếc đồng hồ xịn mang chỉ dẫn “Swiss Made” sẽ có giá bán từ vài nghìn đôla đến vài trăm nghìn đôla.

Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng với chi phí sản xuất cực thấp, các nhà sản xuất đã thay thép không gỉ vốn được tất cả các hãng đồng hồ nổi tiếng tin dùng bằng 1 thứ kim loại độc hại - hợp kim kẽm.

Loại hợp kim được sử dụng rộng rãi nhất là hỗn hợp giữa đồng, kẽm và chì, niken. Niken khi gặp mồ hôi tay sẽ nhanh chóng bị oxy hóa và phân hủy. Dẫn đến da bị nổi mẩn đỏ, mụn nước. Lâu dài có thể gây viêm da. Nguy hại hơn, hàm lượng chì trong thứ hợp kim này cao đến 1 - 2%. Những chất này lâu ngày sẽ ngấm qua da và tích tụ trong cơ thể, gây tổn hại thần kinh, nhiễm độc gan, viêm thận, v.v...

Ngoài ra, trong đồng hồ giả còn chứa hàm lượng chất PFCs rất cao, làm giảm chức năng miễn dịch, gián đoạn các hoạt động nội tiết và ảnh hưởng xấu đến gan của người dùng.

Mặt khác, để tạo độ bóng đẹp cho vỏ đồng hồ, người ta sử dụng cadimi. Đây là thứ kim loại cực độc, xếp thứ 7 trong 275 chất có hại cho sức khỏe. Sau 1 thời gian tiếp xúc với da và mồ hôi thường xuyên, cadimi có thể xâm nhập vào cơ thể, tích tụ ở thận và xương. Kim loại này có thể gây ung thư phổi, thủng vách ngăn mũi, làm rối loạn chức năng thận,…

Nói về tình trạng dị ứng da do đeo trang sức kim loại như khuyên tai, dây chuyền, vòng tay hay đồng hồ, trên báo Sức khỏe & đời sống từng cảnh báo, nếu bạn có cơ địa nhạy cảm hoặc dị ứng với nữ trang, việc đeo chúng sẽ gây triệu chứng: da bị ngứa, khô, trở nên khó chịu và ửng đỏ hoặc xuất hiện vẩy. Tệ hơn, da của bạn có thể bị hăm, phồng rộp hoặc đau. Những phản ứng này là biểu hiện của chứng viêm da tiếp xúc dị ứng.

Linh Anh