Thị trường Condotel "lao dốc không phanh" trong quý III

(SHTT) - Trong quý III, thị trường BĐS nghỉ dưỡng nói chung, trong đó, đặc biệt là dòng sản phẩm Condotel ghi nhận sự giảm mạnh cả về nguồn cung lẫn các giao dịch thành công.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại buổi lễ công bố báo cáo tình hình giao dịch bất động sản quý III/2018 do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 11/10, tại Hà Nội. 

 Buổi lễ công bố báo cáo tình hình giao dịch bất động sản quý III/2018.

Theo ông Đính, Trong Quý III/2018 hầu hết ở các vùng phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào hàng, ngoại trừ ở Nha Trang có dự án Lanuna mở bán lần đầu ra thị trường. Lượng giao dịch cả nước về sản phẩm Condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.

Tại Đà Nẵng, số lượng sản phẩm hiện đang chào bán ra thị trường BĐS là 8.061 sản phẩm bao gồm cả các sản phẩm đã chào bán từ các Quý trước và các năm trước. Trong đó tập trung tại các dự án của các chủ đầu tư như: Hyatt Regency Da Nang, Ocean Suite, Olalani, Coco Bay, Mường Thanh, Anfanam, Hòa Bình, Furama,… Số lượng bán trong Quý III : 294 sản phẩm.

Ở Nha Trang, Quý III tiếp tục ghi nhận nguồn cung chào hàng mới từ các dự án Hudbuilding Nha Trang, Ariyana, Panarama,… mở chào bán mới khoảng trên 1000 căn nâng tổng số nguồn hàng Condotel Nha Trang lên 12000 căn. Tỷ lệ hấp thụ từ các dự án mới được chào bán trong Quý III/2018 chỉ đạt khoảng 20%. Theo thống kê lượng giao dịch của sản phẩm Condotel tại Khánh Hòa đạt 789 sản phẩm, giảm mạnh so với Quý I và Quý II/2018.

 

Theo ông Đính, xảy ra hiện tượng này là do rất nhiều nguyên nhân như: Ngân hàng nhà nước xiết chặt cho vay BĐS nên dòng vốn đổ về thị trường BĐS nghỉ dưỡng cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó các chính sách của nhà nước về pháp lý cho các sản phẩm Condotel vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.

"Vấn đề pháp lý cho Condotel hiện nay đang là một trở ngại lớn trong việc giai dịch các sản phẩmCondotel. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hề có bất kỳ một quy định hay văn bản cụ thể nào cho sản phẩm này", ông Đính chia sẻ.

Ngoài ra, năng lực phát triển dự án loại hình BĐS nghỉ dưỡng còn hạn chế, đặc biệt là năng lực khai thác kinh doanh sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư Việt Nam còn yếu và hạn chế. Dẫn đễn sự ngờ vực của các nhà đầu tư khi đầu tư vào loại hình này cảm nhận thấy không đảm bảo cho hiệu quả đầu tư của họ lâu dài.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến thị trường là do hiện nay các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang rất thận trọng trong chọn lựa dự án BĐS nghỉ dưỡng. bên cạnh đó giá bán của sản phẩm nghỉ dưỡng hiện đã được các chủ dự án đẩy lên ở mức cao, bình quân từ 35 – 50 tr/m2 thậm chí có những dự án có giá trên 70tr/m2. Ở mức giá cao này nhà đầu tư khó tạo thanh khoản khi có nhu cầu chuyển nhượng.

Thu Hiền