'Sữa học đường': Vì dinh dưỡng và chiều cao của thế hệ tương lai

(SHTT) - Với mục tiêu cải thiện thể lực và tầm vóc thế hệ tương lai của đất nước, Chính phủ đã quyết định triển khai chương trình 'Sữa học đường' với mục tiêu trẻ em mẫu giáo và tiểu học được uống ít nhất một ly sữa mỗi ngày.

 Các em học sinh Việt Nam hào hứng với ly sữa trên tay trong một buổi sinh hoạt tập thể

Nhiều nước trên thế giới triển khai

Chương trình sữa học đường được thực hiện từ rất sớm tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… khi ra đời chương trình được hưởng ứng rất nhiều bởi những lợi ích của nó như giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hằng ngày cho trẻ em.

 Hình ảnh học sinh dùng bữa tại trường học Canada vào năm 1943

Bữa ăn học đường được Nhật Bản thực hiện từ năm 1954, trong đó yêu cầu mỗi bữa trưa trẻ mầm non, tiểu học phải được uống 200 ml, sau 40 năm áp dụng người Nhật đã tăng chiều cao thêm 10 cm, tuổi thọ ở mức cao nhất thế giới.

 
 
 Hình ảnh học sinh dùng bữa tại trường học Nhật Bản

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng

Theo khuyến nghị, trẻ 3 - 5 tuổi cần 4 đơn vị sữa/ngày (một đơn vị sữa tương đương 100 mg can xi), trẻ 6 - 7 tuổi sử dung 4 - 5 đơn vị sữa; trẻ 8 - 9 tuổi sử dụng 5 đơn vị; 9 - 11 tuổi là 6 đơn vị. Đặc biệt, nên kết hợp 3 loại chế phẩm sữa là sữa chua, phô mai, sữa dạng lỏng để tăng khả năng hấp thụ các vi chất. Với nhu cầu can xi 1.000 mg/ngày của học sinh tiểu học, việc cho trẻ uống thêm ít nhất một ly sữa mỗi ngày là hợp lý nhất. Chính vì vậy, theo Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng quốc gia Bùi Thị Nhung, với những trường đã thực hiện cho học sinh uống sữa hằng ngày, nhất là các trường mầm non vẫn hoàn toàn có thể tham gia chương trình “Sữa học đường”. Và, một bữa sữa tại trường trước đó có thể chuyển sang sữa chua hoặc phô mai.

Hiện nay, khẩu phần can xi của người Việt Nam chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu khuyến nghị về can xi. Trong khi đó, một ly sữa dạng lọc 100 ml chứa 100 mg hàm lượng can xi. Vì vậy, việc uống sữa là một trong những cách để hấp thụ can xi, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ.

Sữa không gây béo phì, dậy thì sớm

 Hình ảnh cổ động cho Ngày hội sữa học đường thế giới tại Anh (được FAO và LHQ phát động từ năm 2000, được tổ chức vào thứ 4 cuối cùng của tháng 9 hằng năm)

Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng uống sữa nhiều sẽ gây béo phì hoặc dậy thì sớm ở trẻ. Chuyên gia dinh dưỡng Bùi Thị Nhung cho biết, chính bà là người trực tiếp nghiên cứu “Mối liên quan giữa gien nhạy cảm béo phì và tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em Hà Nội”. Bà Nhung khẳng định, lý do trẻ em thủ đô béo phì là được ăn nhiều, ăn thức ăn nhanh chứ không phải uống sữa nhiều. “100 ml sữa có có khoảng 70 kCal, trong khi một chai nước ngọt chứa 260 kCal, một chiếc bánh bao là 409 kCal, một bát xôi có 712 kCal (tương đương 1.000 ml sữa).

PV