Nhật Bản mở cửa khai thác lại bãi biển bị nhiễm phóng xạ từ năm 2011

(SHTT) – Sau 7 năm thực hiện các nỗ lực cải tạo môi trường, Nhật Bản đã mở cửa lại các bãi biển bị nhiễm phóng xạ do ảnh hưởng từ trận sóng thần năm 2011.

Giới chức Nhật Bản đã chính thức cho mở lại bãi biển Haragamaobama ở thành phố Soma, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 40 km về phía Bắc – đây là bãi biển gần với nhà máy Fukushima nhất trong số 4 bãi biển đã được mở lại sau trận thảm họa kép.

 

 Trước khi đưa ra quyết định tái khai thác đối với bãi biển này, các nhà chức trách đã phải liên tục thực hiện các nỗ lực nhằm cải thiện tình hình môi trường và giảm mức phóng xạ tồn tại trong khu vực này. Các cuộc kiểm tra chất lượng nước và nồng độ chất phóng xạ được thực hiện bởi các cơ quan chức năng Nhật bản tại bãi biển Haragamaobama đã không tìm thấy chất phóng xạ trong nước biển trong nhiều năm qua. 

Động thái mở cửa lại bãi biển Haragamaobama của giới chức tỉnh Fukushima mang theo hy vọng sẽ thay đổi cái nhìn và suy nghĩ của mọi người đối với  khu vực bị tác động nghiêm trọng bởi thảm họa sóng thần và hạt nhân cách đây 7 năm. Đồng thời, sự kiện này cũng thể hiện sự cố gắng, chăm chỉ và ý chí cứng rắn của con người Nhật Bản trong các nỗ lực chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên đối với con người và đất nước này.

Vào năm 2010, thời điểm trước khi xảy ra thảm họa kép, bãi biển Haragamaobama đã thu hút khoảng 56.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Dự kiến, vào cuối tuần này, 2 bãi biển ở tỉnh Miyagi bị ảnh hưởng trong trận sóng thần cũng sẽ được mở lại. 

Ngày 11/3/2011 vào lú 14h46, trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra ngoài khơi phía Đông Bắc Nhật Bản đã kéo theo cơn sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương và ảnh hưởng đến ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử nước này và là 1 trong 5 trận động đất mạnh nhất trong lịch sử thế giới.

 

Trận động đấy lịch sử này đã khiến các lò phản ứng tại tỉnh Fukushima liên tiếp phát nổ khiến tổng cộng 170.000-200.000 người phải đi di tản. Lúc bấy giờ, các chuyên gia dự kiến việc xử lý rò rỉ hạt nhân sẽ phải mất từ 30 - 40 năm nữa mới có thể hoàn thành. 

 

Ngoài ra, thảm họa lịch sử này cũng khiến Nhật bản chịu nhiều tổn thất về người và tài sản khác. Con sóng thần cao đến 38,9 m đã đánh vào Nhật Bản khiến 3tỉnh miền Đông Bắc và nhiều tỉnh lân cận của nước này chịu thiệt hại nặng nề. Con số thống kê từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho thấy đã có khoảng 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. 

Bảo An