Vụ bệnh viện FV bị tố "khám sáng không có thai, tối có": Hội đồng chuyên môn kết luận gì?

(SHTT) - Liên quan đến vụ việc một người phụ nữ bị chẩn đoán sai dẫn đến sảy thai, Hội đồng chuyên môn cấp cơ sở do Bệnh viện FV thành lập đã công bố kết luận về sự cố y khoa trên.

 Bệnh viện FV. Ảnh: Tổ Quốc

Trên trang cá nhân, chị N.T.M.C (ngụ quận 7, TP.HCM) chia sẻ, sáng 19/6 chị đến khám, siêu âm, thử nước tiểu tại Bệnh viện FV, bác sĩ chẩn đoán không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung. Trưa cùng ngày, chị được siêu âm tử cung, kết luận "kinh nguyệt nhiều và bất thường không đúng chu kỳ kinh nguyệt". Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc uống để đẩy "dịch ứ".

Khoảng 17h cùng ngày, bệnh nhân uống thuốc theo toa bác sĩ gồm 2 viên Misoprostol Stada 200mg và một viên Tranexamic acid 500mg. Khoảng một giờ sau chị đau bụng, tử cung co thắt dữ dội, đi vệ sinh ra một khối máu cục. Máu bắt đầu ra âm ỉ, đến 23h chị bị băng huyết và được chồng đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện FV. Bác sĩ chẩn đoán chị "băng huyết do sảy thai", thử nước tiểu cho kết quả có thai và tiến hành cấp cứu.

Chị chia sẻ trên facebook: “Tôi bật khóc như một đứa trẻ trong đau đớn. Tôi từ chối kết quả đưa ra vì trong cùng 1 ngày, 1 bệnh viện, 1 phương pháp test không thể có việc đau lòng này được và khẳng định với ekip: Tôi không thể có thai.

Máu vẫn chảy, nước mắt vẫn rơi, ekip không thể tiến hành cầm máu cho tôi trong tình trạng bị sốc nặng về tinh thần lẫn thể xác. Bác sĩ quyết định gây mê và tiến hành mổ cấp cứu khẩn cho tôi. Chưa bao giờ tôi cảm nhận cái chết gần đến vậy" .

Dù đã được Bệnh viện điều trị và thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm, chị C. cho rằng phía bệnh viện đã không nhất quán trong việc xác định mình có thai hay không, dẫn đến sự việc kê thuốc ngừa thai điều trị khiến chị "mất con", ảnh hưởng nặng đến sức khỏe và tinh thần.

Liên quan đến vụ việc, theo thông tin trên tờ Lao Động, bà Nguyễn Thị Lệ Thu - Giám đốc Tiếp thị và Phát triển Kinh doanh Bệnh viện FV cho biết: Căn cứ vào điều 74 và 75 - Luật Khám - Chữa bệnh. Bệnh viện FV đã thành lập Hội đồng chuyên môn cấp cơ sở, để rà soát thẩm tra lại toàn bộ quá trình chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân N.T.M.C.

Hội đồng chuyên môn cấp cơ sở này, có sự tham gia của các thành viên độc lập là những chuyên gia đầu ngành, có uy tín, chuyên khoa phụ sản và chẩn đoán hình ảnh trong cộng đồng y khoa.  Vào ngày 26/6/2018, tại Bệnh viện FV, Hội đồng chuyên môn đã họp bàn về sự cố y khoa liên quan đến bệnh nhân N.T.M.C, nhằm xác định: Có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật?

Và, Hội đồng chuyên môn đã kết luận về chẩn đoán và điều trị, chăm sóc bệnh nhân như sau:

Với các dữ kiện từ lâm sàng, kết quả Quickstick âm tính và hình ảnh siêu âm của ngày 19.6 thì chẩn đoán ban đầu là ứ dịch hoặc máu lòng tử cung (do sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp) hoặc là thai đã ngừng tiến triển trong tử cung và bám một phần trong sẹo mổ lấy thai là phù hợp. Với chẩn đoán ban đầu như vậy thì xử trí với Misoprostol là phù hợp.Ở thời điểm 0h30 ngày 20/6/2018 với bệnh sử lâm sàng và kết quả Quickstick dương tính thì xử trí  cấp cứu hút cầm máu và đặt bóng chèn là phù hợp.

Tới thời điểm hiện tại (26/6/2018) với các dữ kiện về lâm sàng, siêu âm, Beta hCG, giải phẫu bệnh mô lấy được từ lòng tử cung thì chẩn đoán thai đã ngừng tiến triển có bám một phần vào sẹo mổ lấy thai là phù hợp. 

Liên quan đến vụ việc một người phụ nữ bị chẩn đoán sai dẫn đến sảy thai, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bệnh viện FV (TP.Hồ Chí Minh).

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện này khẩn trương họp hội đồng chuyên môn xem xét trách nhiệm của cá nhân và tập thể liên quan, xử lý nghiêm nếu có sai phạm chuyên môn.

Đồng thời, cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác đến gia đình nạn nhân và các cơ quan thông tấn báo chí.

Minh Ngọc (t/h)