Bộ GD-ĐT thu hồi đề án đổi mới thi THPT Quốc gia

(SHTT) - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chỉ đạo thu hồi Đề án đổi mới thi tuyển có tổng kinh phí 749 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện.

Bộ GD-ĐT thu hồi đề án đổi mới thi THPT Quốc gia. Ảnh minh họa: Internet

Ngày 22/5, thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT cho biết từ phản ánh của báo chí về đề án "Đổi mới thi THPT QG và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo kiểm tra lại nội dung đề án. 

Xét thấy: Nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lặp, một số nội dung thiếu khả thi, một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi. Do vậy, Bộ trưởng đã chỉ đạo thu hồi Đề án để tiếp tục hoàn thiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giải thích, con số hơn 749 tỷ đồng là khái toán cho 3 năm từ 2018-2020. Bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ví dụ kinh phí từ đề án Ngoại ngữ quốc gia, dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP)... Cách khái toán này đã dẫn đến sự không thống nhất trong cách hiểu. 

Bộ trưởng đã chỉ đạo bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán các nội dung về tài chính.

Trước đó, báo Người Lao Động đưa tin, dự toán kinh phí tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH cùng xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi năm 2018 mà Bộ GD-ĐT xây dựng là 351 tỉ đồng, năm 2019 là 203,6 tỉ đồng và năm 2020 là 201,6 tỉ đồng.

Con số 749 tỉ đồng cho việc đổi mới tuyển sinh trong 3 năm đã khiến nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng. Một giảng viên của ĐH quốc gia đặt câu hỏi, việc đầu tư tới gần 750 tỉ đồng cho đổi mới tuyển sinh trong 3 năm có phải là thật sự cần thiết? "750 tỉ đồng là một con số quá lớn trong tình trạng ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Theo tôi hiểu, khi thi trắc nghiệm, các đề thi được lấy từ ngân hàng câu hỏi, và những câu hỏi đã chuẩn hóa trong ngân hàng hoàn toàn có thể sử dụng cho những năm sau. Vậy có nhất thiết phải đầu tư lớn như vậy. Có phải Bộ GD-ĐT đang nhiều tiền quá không?"- chuyên gia này đặt vấn đề.

Hoàng Oanh (t/h)